Đó là chia sẻ của ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) với phóng viên báo Tin Tức về chủ trương sửa đổi Luật Đất đai để giúp ngành nông nghiệp “cất cánh”.
Xin ông cho biết, việc cải cách Luật Đất đai sẽ đi theo hướng nào để tạo ra động lực cho ngành nông nghiệp bứt phá?
Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang tiến dần theo cơ chế thị trường, phát triển nhanh, nhu cầu xã hội cũng thay đổi nhanh, từ tiêu thụ nội địa cho tới xuất khẩu. Đặc biệt, những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất hàng hóa, quy trình sản xuất, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý...đang được quan tâm rất lớn.
Sửa luật tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất. Ảnh minh họa |
Rõ ràng, nút thắt sản xuất nông nghiệp hiện nay là quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Doanh nghiệp không muốn đầu tư vào nông nghiệp. Ví dụ, với đơn hàng 500.000 tấn rau theo tiêu chuẩn Gap, hoặc mỗi tuần phải cung cấp vài ngàn tấn gạo hữu cơ... , đòi hỏi DN phải có vùng sản xuất lớn.
Nhưng ở miền Bắc, quy mô 1 ha có bình quân 15 - 20 hộ canh tác. DN muốn tích tụ 10 ha phải đàm phán từ 150 - 200 hộ. Chỉ vài hộ không đồng tình sẽ “vỡ trận”. Do vậy, “bức xúc” hiện nay là làm thế nào để tích tụ đất, mở rộng quy mô sản xuất. Dồn điền đổi thửa, hoặc chuyển nhượng để có cơ hội tổ chức lại sản xuất.
Nhiều địa phương đang tiến hành dồn điền đổi thửa, gom đất giao cho doanh nghiệp. Theo ông, làm thế nào để nông dân không bị thiệt thòi khi giao đất cho DN?
Chúng ta phải tạo ra thị trường đất nông nghiệp. Ví dụ, những người không còn đủ sức lao động, có tiềm năng chuyển sang ngành nghề khác, họ có thể sang nhượng đất nông nghiệp cho những công ty, những người có khả năng sản xuất nông nghiệp. Đó là hình thức thứ nhất, chuyển nhượng hẳn. Thực tế, ở các nước phát triển, chỉ có 5 -7% người dân làm nông nghiệp, còn lại làm công nghiệp, dịch vụ. Còn ở Việt Nam đang có 40 - 50% người làm nông nghiệp.
Hình thức thứ hai đang được một số doanh nghiệp áp dụng. Đó là DN thuê lại ruộng đất của nông dân, tổ chức lại sản xuất, nông dân làm như công nhân trong DN. Khi nông dân cho thuê, họ vẫn giữ sổ đỏ, quyền chứng nhận sử dụng đất.
Hình thức thứ ba là góp đất với DN như là một cổ đông, đóng góp cổ phần vào công ty. DN đứng ra tổ chức sản xuất, chia lợi tức cho nông dân. Thực tế, một số DN ở Hà Nam đã làm theo hình thức này. Họ cùng nông dân sản xuất rau an toàn, liên kết với nông dân như: Vingroup, Công ty Giống cây trồng Trung ương, lúa giống Cường Tân (Nam Định) thuê lại đất của nông dân để sản xuất giống lúa.
Xin cảm ơn ông!