Các chuyên gia đánh giá, vốn đầu tư tập trung nhiều vào Bắc Ninh do tỉnh có nhiều giải pháp, tạo lợi thế trong thu hút FDI như: cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư.
Tạo niềm tin với nhà đầu tư
Trong 2 quý đầu của năm 2024, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng lên. Minh chứng cho điều này là có thêm 244 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới, tăng gấp 2 lần so với năm 2023 với tổng vốn hơn 1,1 tỷ USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh cấp đăng ký đầu tư cho 2.347 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 27,673 tỷ USD.
Xét về số dự án, Bắc Ninh dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn, với số vốn điều chỉnh tăng gần 1,47 tỷ USD (chiếm 13,5%). Theo địa bàn đầu tư, dòng vốn FDI đã "rót" vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 6 tháng. Tiếp sau Bắc Ninh là Bà Rịa - Vũng Tàu với gần 1,54 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,36 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm, “bức tranh” kinh tế - xã hội của Bắc Ninh đã có nhiều điểm sáng tích cực, kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng. Quý II/2024 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) với mức tăng 8,06% đã kéo tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 của Bắc Ninh tăng 2,32% so với cùng kỳ. Đây là tiền đề quan trọng để Bắc Ninh hoàn thành kế hoạch cả năm 2024; đồng thời củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh của địa phương.
Kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với nhiều chính sách phù hợp trong thu hút đầu tư; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong điều hành, điều chỉnh chính sách thu hút FDI của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã đặt ra yêu cầu cụ thể cho các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp cải cách hành chính; đồng thời đề xuất và giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc nhằm tăng cường hiệu suất làm việc, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh.
Để hoàn thành mục tiêu năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chuyển đổi số trên địa bàn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tập trung xử lý vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng cháy chữa cháy, truy xuất nguồn gốc…
Cùng đó, tập trung làm mới động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…); tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 tổ chuyên gia gỡ khó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Sẵn sàng "lót ổ đón đại bàng"
Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã thành lập nhiều đoàn công tác thực hiện xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển tại nhiều quốc gia như Trung Quốc và một số nước châu Âu. Đồng thời, tổ chức tiếp và làm việc với đoàn công tác các nước sang thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bắc Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, chất bán dẫn; y sinh; thiết bị 5G, 6G và luôn sẵn sàng mặt bằng sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ để chào đón các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư tại tỉnh.
Bắc Ninh hoan nghênh và chào đón các nhà đầu tư cùng chung tay với Bắc Ninh để mang lại lợi ích tốt đẹp cho các bên. Tỉnh cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đảm bảo an ninh, an toàn với phương châm “Thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh và khó khăn, thất bại của doanh nghiệp cũng là khó khăn, thất bại của tỉnh”.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ ngành công nghiệp bán dẫn - ngành công nghiệp "tỷ USD". Đón đầu xu hướng này, Bắc Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước có chính sách hỗ trợ việc giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số.
Theo đó, Nghị quyết về việc Quy định chính sách hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030 sẽ chính thức có hiệu lực từ 15/7/2024. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của tỉnh trở thành đối tác tin cậy và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu.
Ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, Nghị quyết này vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách hỗ trợ trong giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên, người lao động tham gia học nghề ở trình độ cấp học cao hơn, nhất là ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần nâng cao năng suất lao động, phục vụ nền công nghiệp công nghệ số theo đúng định hướng phát triển của Bắc Ninh.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh cho biết, các doanh nghiệp công nghệ đăng ký đầu tư vào tỉnh tăng mạnh và tiếp tục mở rộng quy mô kéo theo nhiều doanh nghiệp phát triển phụ trợ. Nhu cầu nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, chất lượng cao ngày càng lớn, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có những chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký đầu tư và hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là hơn 22.000 doanh nghiệp với hơn 466.000 lao động; trong đó, lao động qua đào tạo nghề đạt 35,6% lực lượng lao động đang làm việc. Chính vì vậy, bên cạnh chuẩn bị tốt các điều kiện thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn, tỉnh Bắc Ninh đã và đang tập trung xây dựng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu về lĩnh vực này. Qua đó thể hiện đúng chiến lược thu hút đầu tư được tỉnh, nhất quán theo mô hình “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng” (ít đất, ít sử dụng lao động; vốn đầu tư FDI cao, công nghệ cao, hiệu quả cao; sẵn sàng mặt bằng, sẵn sàng nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cơ chế, sẵn sàng hỗ trợ giải quyết khó khăn).
Những tháng còn lại của năm, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư chủ động tại các thị trường tiềm năng. Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường sống, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, dự án quy mô lớn, công nghệ cao, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của tỉnh.