Sức sống ở vùng rau an toàn
Đến Tiên Dương (Đông Anh) trong những ngày xã này đang vào mùa thu hoạch rau. Cánh đồng rau an toàn trải dài, bạt ngàn với chủ đạo là màu xanh, xen lẫn các khum nilông che mưa, che nắng cho rau phát triển. Từ khi chuyển đồi từ mô hình trồng lúa sang trồng rau đến nay, cuộc sống của người dân xã Tiên Dương trở nên no ấm hơn. Người dân ở đây so sánh, một sào nếu cấy lúa chỉ thu khoảng gần 1 triệu đồng, còn trồng rau thì thu từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/vụ. Rau là nguồn sống với người dân nơi đây và kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, người dân Tiên Dương vẫn tiếp tục thu hoạch và xuống giống những loại rau, củ, quả theo đúng thời vụ.
Trên luống cải lá xoăn (cải canh) đang lên mơn mởn, chỉ khoảng hai tuần nữa là cho thu hoạch, bà Nguyễn Thị Nhàn thôn Trung Oai cùng chồng đang cặm cụm nhặt những cây cỏ dại còn sót lại bật lên sau những ngày mưa "rét nàng Bân”. Người phụ nữ 50 tuổi quanh năm gắn với đồng đất, thuộc tập tính sinh trưởng của các loại rau, củ hơn những vấn đề thời sự đang diễn ra ở ngoài xã hội. Nhưng với dịch COVID-19 thì bà hiểu rõ về tác hại của nó nên đi ra đồng cũng không quên đeo khẩu trang.
“Người trồng rau như tôi dịch vẫn phải ra ruộng, vì với rau, củ chỉ một vài ngày không thu hái là quá lứa, già cứng sẽ không thể sử dụng. Nhưng những ngày dịch bệnh chúng tôi vẫn ra ruộng chăm cây nhưng không tụ tập trò chuyện mỗi lúc giải lao như trước nữa. Giờ chỉ thu hái và bán cho thương lái xong rồi nhanh chóng trở về nhà”, bà Nhàn mộc mạc bày tỏ.
Trên cánh đồng rau của xã Tiên Dương không khó bắt gặp những người nông dân đang thu hoạch rau, củ. Những xe cải tiến tự chế, xe tải nhỏ đang chờ sẵn trên những bờ vùng để chở rau đi. Người nông dân Tiên Dương nói riêng và các xã khác nói chung của Đông Anh vẫn bám đồng ruộng của mình như một sự cam kết mạnh mẽ không tạo sự khan hiếm rau xanh trong những ngày cách ly xã hội.
Ông Trần Văn Sáng, Chủ tịch xã Tiên Dương thông tin, địa phương là một trong những "vựa" rau của Đông Anh. Từ khi chuyển đổi 200 ha, từ trồng lúa sang trồng rau, đời sống của người dân đã khấm khá hơn hẳn. Rau là thu nhập sống còn của người dân. Trong những ngày dịch xảy ra tại Hà Nội, dù việc sản trồng mới diện tích rau, củ có chững lại đôi chút nhưng không ngừng. Theo tinh thần chỉ đạo của huyện Đông Anh mỗi khu dân cư, thôn, xóm là “cụm dân cư an toàn” nên quyết tâm duy trì sản xuất, đáp ứng tiêu chí 4 tại chỗ, để “chống giặc” COVID-19.
Chủ tịch xã Tiên Dương Trần Văn Sáng nhìn nhận, cụm dân cư an toàn, chúng tôi hiểu, đó là duy trì sản xuất để có lương thực, thực phẩm phục vụ tại mỗi thôn, xóm, đồng thời cũng có mặt hàng để cung cấp cho thành phố Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước.
Do vậy, người dân chỉ cần bỏ ruộng một thời gian là sẽ dẫn đến khan hiếm rau xanh tại Hà Nội ngay. “Chúng tôi phải động viên bà con không quá lo lắng về dịch bệnh, đến nỗi không trồng, vẫn phải tiếp tục tham gia sản xuất nông nghiệp đảm bảo đời sống trong thời gian có dịch”, vị Chủ tịch xã Tiên Dương nhấn mạnh.
Bám đồng ruộng
Còn thủ phủ hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) thời gian này cũng đang vào vụ thu hoạch hoa. Dọc theo những bờ ruộng là những luống hoa cúc, hoa hồng, hoa loa kèn chúm chím khoe sắc giữa tiết trời đầu hạ.
Mặc dù sức mua cũng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng người trồng hoa nơi đây vẫn miệt mài lao động trên những cánh đồng đa sắc màu của mình để cho cuộc sống thêm phần tươi mới trong những ngày Hà Nội có đại dịch.
Lọt vào giữa luống hồng ta để lựa những bông đến thời thu hoạch, chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ, mỗi sào hoa một ngày cho thu khoảng 400 bông. Giá tại ruộng giao động từ 1.000 - 1.200 đồng/bông, từ ngày có dịch bệnh gia đình chị vẫn túc tắc bán hoa, không bị ảnh hưởng nhiều.
Còn lãnh đạo UBND phường Tây Tựu cho hay đang trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá hoa sụt giảm so với năm trước. Tuy nhiên, trên địa bàn thương lái vẫn đến thu mua và vận chuyển đi khắp các tỉnh thành. Việc buôn bán của người dân vẫn tương đối ổn định. Song để ngăn ngừa dịch bệnh, phường cũng cắt cử lực lượng chức năng đến nhắc nhở không để việc mua bán tập tụ đông người theo đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.
Không phải nơi nào người trồng hoa dễ tiêu thụ sản phẩm của mình như ở Tây Tựu. Những ngày này, trên cánh đồng hoa rộng hàng 100 ha ở thôn Hạ Lôi (Mê Linh) những bông hoa hồng, hoa cúc bắt đầu đến kỳ thu hoạch nhưng chưa được cắt bán, bởi lệnh cách ly do địa phương có người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Một người dân ở đây giãi bày với tâm trạng tiếc nuối, xót xa khi trồng cây đến ngày thu hoạch mà không thể bán được do thương lái cũng bị ngăn chặn, hạn chế tiếp xúc với người dân địa phương để bảo vệ sức khỏe.
“Thật sự là chúng tôi cũng tiếc công, tiếc của lắm, chăm hoa vất vả vài tháng đến thời điểm thu hoạch thì bị cách ly 28 ngày. Chúng tôi hiểu, điều đó là bất đắc dĩ, chính quyền mới phải làm vậy, có thể trước mắt sẽ mất một khoản thu từ hoa nhưng đó không là gì nếu sức khỏe của mình bị đe dọa. Chúng tôi chấp nhận mất lứa hoa này. Hết thời gian cách ly dân làng sẽ tiếp tục trồng hoa, sản xuất nông nghiệp để có thu nhập, vì đồng ruộng là một phần của cuộc sống không thể bỏ được” người này quả quyết.
Có thể thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng chung do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nhưng nhiều làng hoa, làng rau tại Thủ đô như: Mê Linh (huyện Mê Linh), Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), Tiên Dương, Kim Chung (huyện Đông Anh)…, người nông dân vẫn bám đồng ruộng của mình để sản xuất, không có hiện tượng bỏ ruộng, bỏ rau héo úa gây lãng phí và phản cảm. Trong lúc khó khăn, người nông dân Thủ đô cũng đã nghĩ ra cách bán sản phẩm của mình qua mạng online.
Ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, thế mạnh của địa phương là trồng rau, củ. Với diện tích hơn 1.000 ha trồng rau, củ, quả; trong đó, có 6.00 ha được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Mỗi ngày Đông Anh sản xuất ra hơn 2.00 tấn rau, củ, quả các loại. Hiện nay, huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo người nông dân vẫn duy trì sản xuất trên đồng ruộng theo mùa vụ. Song tập trung sản xuất vào rau ăn lá, củ quả với thời vụ ngắn, đảm bảo sau khi hết thời gian giãn cách xã hội là có thể phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng.
Khi dịch COVID-19 xuất hiện cũng là lúc ngành nông nghiệp nước ta chịu nhiều tác động và gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần ruộng đồng là cuộc sống, quyết bám nông nghiệp của một số nông dân Hà Nội nói riêng cho thấy đã hạn chế được sự “đứt gẫy” trong cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho xã hội nhất là trong những ngày xuất hiện virus SARS-CoV-2.