Trên tinh thần triển khai các công việc tái cơ cấu phải khẩn trương, tích cực nhưng hết sức cẩn trọng, làm từng bước nhất là việc xác định tài sản nhà nước để tránh thất thoát.
Hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tiến hành sắp xếp sáp nhập các ban quản lý dự án khu vực, các công việc này phấn đấu hết quý III/2022 sẽ hoàn thành. Trong khi đó các đơn vị thuộc khối đầu máy, sức kéo, Tổng công ty cũng đang khẩn trương triển khai các bước để hoàn thành toàn bộ công việc tái cơ cấu các đơn vị này trong quý I/2023.
Đối với nội dung hợp nhất các công ty vận tải đường sắt (Công ty cổ phần Vận tải Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Sài Gòn), ông Đặng Sỹ Mạnh thông tin, hiện các đơn vị này đang tiến hành các thủ tục để đấu thầu chọn tư vấn đánh giá tài sản của từng đơn vị. Bởi đây là những đơn vị đã thực hiện cổ phần hóa do đó quá trình tái cơ cấu sẽ phức tạp hơn phải tuân thủ các quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan
Đánh giá về tiến độ hợp nhất hai công ty vận tải, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay không thể chốt được thời điểm vì vấn đề này phụ thuộc vào đơn vị tư vấn. Bởi đơn vị tư vấn phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để tư vấn từng đơn vị vận tải lộ trình các công việc phải làm. Tuy nhiên, tinh thần các công việc sẽ được giám sát, chỉ đạo quyết liệt đảm bảo tiến độ nhanh nhất.
Đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) cho hay, thực hiện văn bản số 303/TTg-ĐMDN về tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu, các tổ giúp và cũng có văn bản chỉ đạo Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thực hiện các phần việc của từng đơn vị. Đến nay, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội cũng đã thành lập Ban chỉ đạo của đơn vị, các tổ giúp việc và đang lựa chọn các đơn vị tư vấn để ký hợp đồng tư vấn các phần việc cần phải làm.
“Đây là phần việc khó liên quan đến phần vốn nhà nước cần phải xác định và đánh giá thận trọng theo đúng các quy định pháp luật. Đảm bảo không để thất thoát tài sản nhà nước theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, đại diện Haraco nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Haraco, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xác định và chỉ đạo công việc hợp nhất hai đơn vị vận tải sẽ có nhiều việc phải làm và rất phức tạp. Công việc thứ nhất đòi hỏi các đơn vị tư vấn chỉ ra là các thủ tục để thực hiện việc hợp nhất hai đơn vị vận tải. Công việc thứ hai rất quan trọng là đơn vị tư vấn xác định giá trị tài sản của từng doanh nghiệp. Theo tính toán sơ bộ thời gian cần để các đơn vị tư vấn thực hiện các công việc trên mất từ 9-12 tháng tính từ thời điểm đã lựa chọn được các đơn vị tư vấn.
Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Hà Nội cho rằng, cái khó khăn nhất mà đơn vị vận tải nhận thức được trong quá trình tái cơ cấu hợp nhất đó chính là 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 tình hình sản xuất của hai đơn vị vận tải là rất khó khăn và đều có kết quả kinh doanh lỗ, do đó việc tính toán giá trị cổ phiếu, chuyển đổi cổ phiếu giữa hai đơn vị này như thế nào cũng cần phải xem xét hợp lý.
Mặt khác, Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lại được xây dựng trước thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, trong khi đó quá trình thực hiện đề án này lại thực hiện trong thời gian hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường. Đây cũng là vấn đề không kém phần khó khăn.
Về vấn đề nhân sự, đại diện Haraco khẳng định, việc này phải chờ xong thủ tục hợp nhất để hình thành một đơn vị mới khi đó mới tính toán đến vấn đề nhân sự.
Thông tin thêm về quá trình triển khai phương án tái cơ cấu VNR, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay, một trong những nội dung quan trọng của phương án tái cơ cấu là tinh giản đầu mối các xí nghiệp đầu máy, toa xe, các ban quản lý dự án và 2 công ty vận tải đường sắt.
Cũng theo Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh cho biết, số lượng lao động được tinh giản sẽ tập trung trước tiên vào khối gián tiếp do giảm đầu mối quản lý, giảm số lượng phòng, ban trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, góp phần tăng năng suất của khối lao động gián tiếp. Mặt khác, giảm nhân sự sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm chi phí lương phải chi trả, trong khi đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì và dần cải thiện. Đây là giải pháp kép, vừa giảm chi phí vừa tăng doanh thu.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện VNR đang năm 91,6% cổ phần của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội - Haraco và VNR nắm 78% cổ phần của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn - Saratrans.
Chia sẻ về tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh cho hay, từ tháng 4/2022 đến nay tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị có sự khởi sắt hơn cả về sản lượng hàng hóa và hành khách. Sơ kết 6 tháng đầu năm vừa qua thì sản lượng hàng bằng 159% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19 xuất hiện); trong khi đó sản lượng hành khách 42,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tính tổng sản lượng doanh thu của cả hàng hóa và hành khách là bằng 72% so với cùng kỳ năm 2019.
Định hướng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là tăng thị phần vận tải hàng hóa nên thời gian qua sản lượng hàng hóa có sự tăng trưởng rõ rệt. Tuy nhiên, vận tải hành khách vẫn còn nhiều khó khăn vì thế Tổng công ty đang tập trung cho các khu đoạn trọng điểm, các điểm du lịch nổi tiếng để từng bước phục hồi vận tải hành khách.
Trước đó, tại văn bản 303/TTg-ĐMDN ngày 7/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến về phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).
Theo đó, TTXVN đã đưa tin, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc VNR. Cụ thể, thực hiện thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy từ 5 Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy thành 3 Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy.
Cùng với đó, chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại ba Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một Ban quản lý dự án đường sắt có các điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm, thực tế... để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư. Đồng thời, chấm dứt hoạt động của hai Ban quản lý dự án đường sắt còn lại.
Đặc biệt, công văn nêu rõ việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một công ty cổ phần vận tải đường sắt.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VNR khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản của nhà nước; hoàn thiện
Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2021-2025 bảo đảm phù hợp với Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.