Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe các đại biểu trình bày Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất phân công nhiệm vụ các tổ kỹ thuật thuộc nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo và quy chế làm việc, đồng thời thảo luận về Quy chế hoạt động của 3 nhóm công tác PPP về lúa gạo gồm: Nhóm chính sách, Nhóm công nghệ và Nhóm thị trường.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia, việc thành lập nhóm công tác đối tác công tư PPP ngành hàng lúa gạo là rất cần thiết và đúng lúc để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. Cùng với đó, tăng thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Thanh, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được xem là sự thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo đồng thời có ý nghĩa trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo, cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia; trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Hội thảo sẽ là nơi để trao đổi, thảo luận về vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các bên trong nhóm công tác ngành hàng lúa gạo, thống nhất các nội dung dự thảo phân công nhiệm vụ các tổ công tác PPP ngành hàng lúa gạo và quy chế làm việc; xây dựng kế hoạch hành động của các tổ công tác PPP ngành hàng lúa gạo để thực thi chủ trương, chính sách về sản xuất lúa gạo, quản lý và hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng, vệ sinh an toàn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường…
Theo ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thành lập nhóm công tác Đối tác công tư PPP về lúa gạo do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Bayer Việt Nam làm đồng chủ trì là rất cần thiết nhằm góp phần giải quyết những khó khăn mà ngành đang gặp phải, qua đó nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị…
Tại hội thảo, ban tổ chức cũng đã trao bộ tài liệu tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững cho đại biểu đại diện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.