Theo Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), tính đến nay, VIAC đã tiếp nhận và xử lý hơn 1.500 vụ kiện, trong đó hơn 50% vụ liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa (trong đó có hơn 50% hợp đồng xuất nhập khẩu). Điều đó cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với nước ngoài đã chưa thẩm tra năng lực của đối tác hoặc thiếu kinh nghiệm xem xét kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến nhiều vụ kiện, tranh chấp xảy ra...
Theo đó, tại hội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam” do Trường Doanh nhân BizLight tổ chức tại TP Hồ Chí Minh mới đây, chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín đã chia sẻ những bí quyết để các doanh nghiệp Việt hiểu hơn về pháp lý khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.
Đầu tiên, theo LS.TS Bùi Quang Tín, doanh nghiệp Việt cần nắm vững 4 bước trong quá trình soạn thảo hợp đồng để phòng ngừa rủi ro pháp lý. Cụ thể, yêu cầu các bên cung cấp đầy đủ giấy tờ, văn bản và pháp lý về hợp đồng; tiến hành soạn thảo hợp đồng; gửi các bên chỉnh sửa ý kiến để có bản hợp đồng hoàn chỉnh.
“Ví dụ, khi DN cần vay vốn ngân hàng để bổ sung vốn lưu động hoặc muốn ngân hàng hỗ trợ thông quan hàng hóa nhanh chóng, ngay cả khi chưa thanh toán tiền thuế, điểm lưu ý là khách hàng cần nắm vững nội dung sản phẩm cho vay của ngân hàng”, TS Tín chia sẻ.
Như vậy, ngay từ khâu soạn thảo, đàm phán hợp đồng, doanh nghiệp càng lấy được thông tin của đối tác càng nhiều càng tốt, đặc biệt là các thông tin về pháp lý, năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng... Nếu họ không có năng lực nhưng vẫn ký hợp đồng thì khả năng họ vi phạm hợp đồng rất cao.
Ngoài ra, trong thời gian qua cũng có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chủ yếu là ngành hàng nông sản đã trở thành nạn nhân của hợp đồng mẫu. Thông thường, những hợp đồng mẫu chủ yếu do nhà nhập khẩu đưa ra bảo vệ quyền lợi cho chính họ.
Thế nhưng, có không ít doanh nghiệp Việt Nam khi giao kết các hợp đồng mẫu, hầu như không xem kỹ những nội dung trong các hợp đồng mà dễ dàng chấp nhận ký, dẫn đến một số rủi ro xảy ra liên quan đến tiêu chuẩn giao dịch giữa các bên trong các ngành hàng đó hoặc liên quan đến những vấn đề pháp lý.
Thứ 2 là kỹ năng trong đàm phán kinh doanh: Các doanh nghiệp cần phần phân biệt giữa đàm phán kinh doanh trong nước và quốc tế. Theo đó, có 5 bước chuẩn trong đàm phán: chuẩn bị, tiếp xúc, đàm phán, ký kết hợp đồng và rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng thuyết phục đối tác, kỹ năng nhượng bộ và đòi đối tác nhượng bộ, kỹ năng giải quyết bế tắc… Thực tế cho thấy, các tranh chấp về hợp đồng kinh doanh trong thời gian qua thường xảy ra có liên quan về đối tác, hàng hoá, dịch vụ, điều khoản thanh toán.
Thứ 3, cần lựa chọn phương thức và cách thức giải quyết tranh chấp có lợi cho doanh nghiệp để phòng ngừa rủi ro pháp lý. Cụ thể, ngay sau khi có tranh chấp phát sinh, cần có một phòng ban đầu mối để phối hợp các phòng ban chuyên môn, đặc biệt phòng pháp chế (nếu có) nhanh chóng nghiên cứu về các yếu tố pháp lý của tranh chấp. Các nội dung cần nghiên cứu trong tranh chấp là nội dung hợp đồng và mong muốn giải quyết vấn đề của các bên.
Nếu không có phòng pháp chế trong doanh nghiệp, theo chuyên gia Bùi Quang Tín, các doanh nghiệp cần tìm kiếm các tổ chức hành nghề luật có uy tín, như văn phòng luật, công ty luật, Đoàn luật sư, Hội luật gia, cơ quan nhà nước…
Tại Việt Nam, thời hiệu khởi kiện đối với luật dân sự quy định 3 năm, đối với luật thương mại là 2 năm, nhưng trong những hợp đồng mẫu, có khi thời hiệu khởi kiện tính đơn vị bằng tháng, thậm chí bằng ngày. Như vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác vi phạm và đi kiện thì rõ ràng doanh nghiệp Việt đúng, nhưng lại hết thời hiệu khởi kiện nên thua.
“Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 tới, cơ hội doanh nghiệp Việt Nam xuất – nhập khẩu sang các nước trên thế giới rất nhiều. Vì thế, doanh nghiệp không nên bỏ qua pháp lý từ khâu soạn thảo hợp đồng đến khi ký kết nhằm tránh rủi ro trong kinh doanh cũng như nắm bắt cơ hội khi hội nhập”, LS.TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.