Hơn nữa, Canada là quốc gia có mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp nên rất quan tâm việc thúc đẩy doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các FTA theo nguyên tắc xuất xứ cộng gộp để xuất khẩu và hợp tác sản xuất. Vì thế, doanh nghiệp hai bên có nhiều tiềm năng để kết nối sản xuất, hợp tác gia công theo đơn đặt hàng (OEM) cho các thương hiệu Canada, sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam cho Canada để xuất khẩu đi thị trường nước thứ ba.
Đặc biệt, trong khuôn khổ của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA sắp tới giữa Canada và ASEAN, doanh nghiệp của Canada bắt đầu quan tâm hợp tác sản xuất với doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng lợi ích về thuế (sản xuất ở Việt Nam để xuất vào ASEAN hoặc xuất đi các nước CPTPP, sử dụng nguyên liệu của Canada và tận dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp…).
Do vậy, theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, các doanh nghiệp và hiệp hội chế biến thực phẩm Việt Nam cần quan tâm xu hướng này để sớm khai thác nhằm triển khai chủ trương đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030 mà Chính phủ vừa ban hành.
Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Canada đạt 3,87 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, dự báo, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 sẽ dễ dàng vượt mốc 6 tỷ USD vào Canada và đạt mức tăng trưởng tối thiểu 15% so với 2021.
Ngoài ra, các tháng cuối năm, nhóm mặt hàng vẫn có khả năng tăng trưởng xuất khẩu tốt sang Canada là thủy sản, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu và hóa chất.
Đáng lưu ý, nhóm sản phẩm từ sắt, thép, dây cáp điện và sản phẩm kim loại xây dựng sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất bởi thị trường này đang đầu tư vào khu vực xây dựng.
Mặt khác, Canada và Việt Nam còn có các sản phẩm nông nghiệp bổ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Chẳng hạn như Việt Nam mạnh về gạo, thủy sản, gia vị, ngược lại Canada có thế mạnh về thịt bò, trái cây, lúa mì, dầu ăn. Do vậy, hai nước có thể hợp tác để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp thông qua việc trao đổi các dịch vụ nông nghiệp như bảo quản sau thu hoạch, giải pháp chế biến, giải pháp đóng gói để xuất khẩu…
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển hướng kinh doanh theo hướng chế biến sâu, quy mô lớn để xây dựng chiến lược marketing và thương hiệu riêng.
Cùng đó, việc nhận sản xuất gia công cho hệ thống siêu thị nước ngoài chắc chắn sẽ mở ra những khả năng kết nối khác khi sản phẩm có một không gian tiếp cận rộng lớn hơn với những yêu cầu cao hơn.
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada tại Đông Nam Á nhưng dư địa cho hàng hóa Việt Nam sang thị trường Canada vẫn còn rất lớn bởi thị phần hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada vẫn khá khiêm tốn.
Mặt khác, Chính phủ Canada tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đang coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á. Đây chính là cơ hội rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác thị trường tiềm năng này trong năm 2022.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, dù Canada là một thị trường có nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản nhập khẩu lớn nhưng hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đều được hưởng thuế suất 0% khi vào thị trường này nhưng trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam vào Canada vẫn còn rất khiêm tốn.
Theo Bộ Công Thương, các sản phẩm thủy sản của Việt Nam không nhận được nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu vào thị trường Canada sau khi Hiệp định CPTPP được thực thi bởi phần lớn các sản phẩm đã được hưởng mức thuế tối huệ quốc MFN là 0% từ trước khi Hiệp định CPTPP được ký kết và hiệu lực (trừ cá ngừ chế biến có mức thuế MFN 7% và cua, ghẹ có mức thuế MFN 5%. Thế nhưng, đây lại là thị trường không có hạn ngạch xuất khẩu, các sản phẩm thủy sản Canada và Việt Nam mang tính tương hỗ lẫn nhau hơn là cạnh tranh trực tiếp.
Đánh giá về mức độ tận dụng Hiệp định CPTPP, bà Võ Hồng Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn Diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019 đã chứng kiến tăng trưởng nhảy vọt của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ; trong đó, có Canada.
Đơn cử, xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Đặc biệt, Việt Nam đang là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu, chiếm 34% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Canada và trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu đồ gỗ nội thất lớn nhất tại thị trường này.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian tới doanh nghiệp cần cải tiến chất lượng sản phẩm, phù hợp tiêu chí, thị hiếu và các yêu cầu của thị trường; đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ trong quy trình sản xuất nhằm hướng tới các sản phẩm xanh, phát triển bền vững.
Ngoài ra, Canada có hệ thống đường sắt nội địa rất phát triển, với khối lượng trung chuyển lớn nhất khu vực. Vì vậy, từ hệ thống đường sắt này của Canada hàng hóa doanh nghiệp có thể vươn tới các thành phố khác của Hoa Kỳ, Mexico cũng như các nước Nam Mỹ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.