Tận dụng từng lợi thế nhỏ
Khi năm 2022, doanh nghiệp ngành tôm gặp nhiều khó khăn khi thông tin ngành tôm thế giới chưa đầy đủ, tình hình sản xuất tôm trong nước, cũng như truy xuất nguồn gốc còn nhiều trở ngại, giá thành sản xuất tôm tăng cao do diễn biến giá vật tư thủy sản tăng. Dù vậy trong năm 2023, các doanh nghiệp ngành tôm vẫn nỗ lực phát triển hơn so với năm 2022.
Để làm được điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản 2017, đặc biệt là quan tâm triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực như tô sú, tôm thẻ chân trắng và cả tôm sinh thái. Cùng với việc thực thi Luật Thủy sản trong nuôi tôm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng triển khai nhiều đề án liên quan đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, các địa phương thực hiện tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng tôm, ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Các đơn vị, doanh nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp hiệu quả cho người nuôi tôm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, con tôm Việt Nam vốn được khách hàng thế giới ưa chuộng và lựa chọn. Do đó, con tôm Việt tăng ưu thế khi được cấp mã số vùng nuôi, các chứng chỉ chất lượng như VietGAP, GlobalGAP … cũng là một lợi thế trong cạnh tranh.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y...
Trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Ngành tôm xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao.
Cùng những lợi thế nhỏ từ vùng nguyên liệu, các chính sách khuyến khích người nuôi tôm và doanh nghiệp tạo sản phẩm tôm chất lượng, các hiệp định thương mại tự do vẫn luôn là một lợi thế cạnh tranh cho con tôm Việt, để có thể lưu thông hàng hóa trong điều kiện biến động giá liên tục hiện nay.
Các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực đã dần loại bỏ thuế nhập khẩu cho phần lớn hàng hóa của Việt Nam; trong đó, có các sản phẩm tôm. Đây là cơ sở pháp lý, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đầu tư lành mạnh, công bằng tại các nước châu Âu.
Phát triển tôm sinh thái
Tôm Việt thành công tiến thẳng vào các thị trường khó tính, một phần cũng nhờ vào các sản phẩm tôm lúa, tôm sinh thái, hữu cơ. Vì vậy, trong chiến lược phát triển ngành hàng tôm, con tôm sinh thái vẫn chiếm một vai trò quan trọng và chất lượng vượt trội.
Con tôm sinh thái phát triển chủ yếu ở những khu vực có rừng ngập mặn. Tại đây, người nuôi tôm chỉ thả giống, kiểm tra thời tiết, lấy nước tạo độ mặn thích hợp cho con tôm sinh trưởng.
Nói đến tôm sinh thái, không thể không nhắc đến Cà Mau. Đây là địa phương có diện tích tôm sinh thái rừng lớn nhất cả nước, mà đi đầu tại địa phương là Công ty cổ phần Minh Phú, tiếp đến là Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Camimex Cà Mau và Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Seaprimexco Năm Căn.
Theo ông Lâm Thái Xuyên, Cán bộ kĩ thuật chăm sóc tôm rừng của Minh Phú, hiện Minh Phú đã xây dựng vùng nguyên liệu tôm sinh thái tại huyện Ngọc Hiển với diện tích hơn 10.000 ha, chiếm tỷ lệ 50% diện tích tôm sinh thái của huyện huyện Ngọc Hiển. Qua thời gian hoàn tất thủ tục, hồ sơ pháp lý, đã có 9.300 ha tôm sinh thái được cấp chứng nhận hữu cơ như EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, Mangroves Shrimp và Seafood Watch Green.
Với lợi thế về thủ tục pháp lý, cũng như các chứng nhận hữu cơ dành cho con tôm sinh thái Cà Mau, con tôm sinh thái đã được nhiều thị trường đón nhận và có dấu hiệu cạnh tranh tích cực. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, con tôm sinh thái Cà Mau đã thâm nhập thị trường châu Âu, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo đó, tỷ trọng nhập khẩu của các thị trường này tăng với con số 41% tại châu Âu, 85% tại Australia, 23% tại Canada, Hàn Quốc tăng 14% và Nhật Bản tăng 13%. Đây là dấu hiệu tích cực để con tôm sinh thái phát huy vai trò trong ngành tôm hiện nay.
Để con tôm Việt Nam có thêm khả năng cạnh tranh, vượt qua những khó khăn được báo trước hiện nay, ngành tôm còn phải nỗ lực nhiều hơn, gom góp từng yếu tố thuận lợi nhỏ nhất để thúc đẩy phát triển.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, song song với xuất khẩu và gia tăng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, ASC... con tôm Việt tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, thì các doanh nghiệp cũng phải tận dụng lợi thế tiêu thụ tại thị trường nội địa để nâng cao hình ảnh của con tôm Việt trong nước. Có như vậy, ngành tôm mới phấn đấu đạt con số xuất khẩu là 4,3 tỷ USD như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra trong đầu năm 2023.