Cùng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và bà Irene Natividad, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu năm 2022, và hơn 100 doanh nghiệp của hai nước Việt Nam và Thái Lan.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai đánh giá cao Ban tổ chức đã quy tụ được một số lượng lớn các doanh nghiệp của cả hai nước Thái Lan và Việt Nam tham gia. Sự kiện đã giúp tạo cơ hội cho các doanh nghiệp làm quen và thiết lập mối quan hệ kinh doanh với nhau, từ đó góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của hai quốc gia. Ông cho rằng mặc dù tình hình thế giới đang có nhiều biến động và thách thức, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp hai nước hợp tác với nhau ở tất cả các cấp độ, ở cả khối nhà nước và tư nhân vì sự phát triển bền vững, thịnh vượng trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Công cũng như thế giới.
Ông Don nhấn mạnh Thái Lan và Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Bất chấp tình hình dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mục tiêu đạt 25 tỷ USD vào năm 2025. Giá trị đầu tư của hai nước cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Tại Diễn đàn, ông Don đã đưa ra đề xuất một chiến lược kết nối ba khu vực nhằm hỗ trợ thúc đẩy kết nối giữa Thái Lan và Việt Nam, giúp xây dựng một môi trường kinh doanh, đầu tư và phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Ba khu vực này bao gồm kết nối chuỗi giá trị, kết nối nền tảng kinh tế và kết nối chiến lược tăng trưởng bền vững. Theo đó, khu vực thứ nhất là kết nối chuỗi giá trị. Hiện tại, Việt Nam và Thái Lan đã có sự kết nối chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hai nước cần hỗ trợ nhau để nâng cao hiệu quả kết nối một cách rõ ràng hơn. Đồng thời, hai bên cũng cần điều chỉnh cơ sở hạ tầng để kết nối các tuyến giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ để tăng hiệu quả và giảm chi phí vận tải.
Trong lĩnh vực kết nối nền tảng kinh tế, ông Don cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả Thái Lan và Việt Nam. Bởi vậy, hai nước cần có sự hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với nhau để tạo dựng thêm nhiều mối quan hệ kinh doanh. Đặc biệt, Việt Nam là nước có nhiều địa phương kết nghĩa với các tỉnh của Thái Lan, nhất là khu vực Đông Bắc Thái Lan. Ông tin tưởng rằng mối quan hệ kết nghĩa này sẽ giúp tạo ra giá trị, khuyến khích tăng cường kết nối kinh tế giữa hai nước.
Cuối cùng, ông Don kêu gọi Thái Lan và Việt Nam cần kết nối các chiến lược phát triển bền vững bao gồm chiến lược kinh tế BCG (Sinh học - Tuần hoàn - Xanh) của Thái Lan và chiến lược phát triển xanh của Việt Nam nhằm giảm lượng khí thải ra môi trường, đạt mục tiêu phát triển bền vững. Ông cho rằng cần kết nối ở tất cả các lĩnh vực phát triển bền vững để tận dụng những cơ hội mới cho hợp tác kinh doanh. Theo ông, chiến lược kết nối ở ba khu vực như ông đề xuất sẽ giúp các doanh nghiệp của cả hai nước tận dụng được cơ hội và tiềm năng của hai nước một cách tốt nhất và sẽ giúp củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh Việt Nam và Thái Lan có điều kiện địa lý, khí hậu tương đồng, đều có nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc và mối quan hệ lâu đời và bền chặt. Thái Lan đứng thứ 9/139 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ hai trong ASEAN sau Singapore (Xin-ga-po) về đầu tư vào Việt Nam, với trên 650 dự án, số vốn trên 13,1 tỷ USD. Thái Lan còn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 18,8 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Mục tiêu đến năm 2025 kim ngạch hai chiều đạt 25 tỷ USD. Tuy nhiên, cán cân về đầu tư và thương mại giữa hai nước vẫn chưa cân bằng. Đầu tư của Việt Nam vào Thái Lan còn khiêm tốn với 17 dự án, số vốn 32,8 triệu USD và hiện Việt Nam vẫn nhập siêu hơn 6 tỷ USD/năm từ Thái Lan.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động kép của COVID-19 và khủng hoảng, xung đột, nhưng năm 2021 GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,58% (quý I/2022 tăng trưởng GDP đạt 5,03%), kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% với gần 670 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 9,2%. Trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn và nhiều biến động, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng về thu hút đầu tư với nhiều điểm thuận lợi như môi trường hòa bình, ổn định; quy mô dân số gần 100 triệu người, đang ở thời kỳ dân số vàng; nền kinh tế có độ mở lớn, quy mô 200% GDP; Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ chiến lược đầu tư và thương mại của Việt Nam đến năm 2030 là ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, đồng thời hướng đến phát triển xuất nhập khẩu bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược tăng cường với Thái Lan. Việt Nam hoan nghênh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Thái Lan đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam vào các lĩnh vực Thái Lan có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ đồng tình và đánh giá cao kiến nghị về vấn đề kết nối giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan trong thời gian tới gồm ba kết nối là kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất hàng hóa, kết nối về giao thông, kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, còn có hai kết nối quan trọng nữa là kết nối về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và kết nối về văn hóa xã hội để làm sao mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan thực chất và hiệu quả hơn như mong muốn của cả hai nước.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng với sự tham dự của 100 doanh nghiệp hai bên tại diễn đàn, các doanh nghiệp và doanh nhân hai nước sẽ tận dụng tốt cơ hội để biến “tiềm năng” thành “hiện thực”, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don đã chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) giữa các doanh nghiệp của Việt Nam và Thái Lan.