Tham gia diễn đàn có đại diện Bộ Công Thương CH Séc, các doanh nghiệp Séc, doanh nghiệp của kiều bào Việt Nam tại Séc, các nhà quản trị, nhà khoa học cùng khách mời. Sự kiện được tổ chức nhằm tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, triển khai có hiệu quả các thoả thuận đạt được trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Séc Petr Fiala hồi tháng 4 vừa qua, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và CH Séc.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Zdenek Zajicek, Chủ tịch Phòng Thương mại CH Séc nhấn mạnh sự kiện là dịp để các doanh nghiệp Séc và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác. Ông Zajicek bày tỏ hy vọng Phòng Thương mại CH Séc sẽ là đối tác tin cậy, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong giao thương bằng cách trực tiếp đệ trình các vấn đề lên Chính phủ Séc, Chính phủ Việt Nam cũng như trong khuôn khổ Nghị viện châu Âu (EP).
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Thái Xuân Dũng đánh giá trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và CH Séc không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển. Hai nước thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, như chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Séc Petr Fiala vào tháng 4, trước đó là chuyến thăm của Bộ trưởng Công Thương CH Séc sang Việt Nam vào tháng 2 và mới đây nhất là chuyến thăm chính thức CH Séc từ ngày 9-10/6 của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song quan hệ kinh tế giữa hai nước tiếp tục có những bước phát triển tích cực. Trong giai đoạn 2020-2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Séc tăng trưởng hai con số, năm 2022 đạt 2,4 tỷ USD. Theo Đại sứ, diễn đàn lần này nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học-công nghệ, quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững, qua đó đóng góp thiết thực vào thành quả phát triển kinh tế của hai nước.
Về phần mình, Thứ trưởng Công Thương Séc Edvard Kozusnik khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của CH Séc tại châu Á. Theo ông, một trong những cầu nối quan trọng trong mối quan hệ song phương là cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại CH Séc.
Về mặt thương mại, Thứ trưởng Công Thương Séc nhận định người Việt Nam rất ưa chuộng những mặt hàng của CH Séc, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, công nghệ chế tạo máy, năng lượng, khai khoáng. Ngược lại, người Séc cũng rất chuộng những mặt hàng Việt Nam như hàng điện tử, may mặc, giầy dép, cà phê. Ông Kozusnik nhấn mạnh, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6-7% trong khoảng 20 năm gần đây cùng quy mô thị trường rộng lớn, Việt Nam là đối tác đầy tiềm năng của CH Séc. Do đó, Chính phủ Séc tiếp tục nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ song phương với Việt Nam, trong đó có hoạt động trao đổi đoàn các cấp và tổ chức các đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam tìm hiểu thị trường.
Ông Jan Zahradil, nghị sĩ Nghị viện châu Âu (EP) đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, cho rằng Việt Nam có vai trò rất quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. Ông Zahradil khẳng định với nền tảng là mối quan hệ hữu nghị truyền thống, CH Séc mong muốn Việt Nam trở thành cầu nối để có thể tham gia rộng rãi hơn vào các hoạt động kinh tế ở khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới những tác động tích cực của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), giúp tăng cường quan hệ thương mại giữa Việt Nam với EU nói chung, với các nước thành viên EU nói riêng. Theo ông Zahradil, EVFTA có thể sẽ là hình mẫu cho các hiệp định tiếp theo giữa EU với các nước.
Tại diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, các nhà quản trị và các nhà khoa học đã đóng góp, trao đổi nhiều ý kiến, thông tin về thị trường hai nước, trong đó trọng tâm là những lĩnh vực tiềm năng mà hai bên có thế mạnh và mong muốn hợp tác. Các ý kiến cũng tập trung tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai hợp tác, kết nối giữa doanh nghiệp hai nước.