Khác với trước, gốm Hương Canh giờ đây đã đa dạng, phong phú hơn về chủng loại, tính thẩm mỹ được coi trọng, chất lượng cũng được nâng cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi cao của người tiêu dùng.
Nghề làm gốm của người Hương Canh đã hình thành hơn 300 năm trước với những sản phẩm nổi tiếng là chum, vại, nồi niêu, ấm chén... Cuối năm 1958, Hợp tác xã thủ công Tam Đồng được thành lập nhằm quy tụ những người làm nghề gốm, sau này đổi tên thành Hợp tác xã gốm Hương Canh, ban đầu có 220 - 230 người tham gia sản xuất gốm theo kế hoạch tập trung. Sau khi được thành lập giai đoạn phát triển nhất của gốm Hương Canh là vào khoảng thời gian từ năm 1967 đến năm 1971. Thời gian này, những sản phẩm gốm Hương Canh làm ra đến đâu bán hết đến đó.
Tuy nhiên, thời gian sau đó, do một số yếu tố tác động, gốm Hương Canh có những bước thăng trầm, sản phẩm có thời gian dài giảm đáng kể về sức tiêu thụ. Nguyên nhân do mẫu mã đơn điệu, việc quản lý và điều hành chậm đổi mới, đội ngũ thợ làm nghề đông nhưng thiếu thợ giỏi để vượt qua khó khăn trước đòi hỏi mới ngày càng cao, nhất là đa đạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, sự xuất hiện của đồ nhựa, đồ kim loại, đồ sứ, thủy tinh... bắt đầu đa dạng, phong phú và tràn ngập thị trường với giá cả rẻ là nguyên nhân chính khiến cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gốm gặp khó.
Trải bao thăng trầm, làng gốm Hương Canh một thuở nổi tiếng cả nước đã có lúc đi vào quên lãng và dần mai một. Nhiều nghệ nhân trong làng cũng lần lượt qua đời. Tuy nhiên, vẫn còn những nghệ nhân, những thanh niên trẻ yêu nghề được tiếp sức, được nuôi dưỡng hy vọng đã từng bước thổi luồng gió mới cho nghề cổ truyền của làng gốm Hương Canh.
Đầu những năm 2000, một số hộ dân Hương Canh đã quyết tâm đầu tư tiền bạc, kiến thức và kinh nghiệm, khôi phục lại nghề gốm và đến nay có 7 gia đình tiếp tục theo nghề sản xuất theo quy mô vừa và nhỏ. Tất cả các hộ này đã đa dạng hóa sản phẩm, một số vừa giữ sản phẩm truyền thống vừa chuyển sang làm gốm mỹ nghệ theo đơn đặt hàng đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi của thị trường kịp thời và kết quả sản xuất khá lạc quan, sản phẩm tiêu thụ ổn định. Mức thu nhập cơ sở nghề gốm ở Hương Canh từ 300 đến 500 triệu đồng/cơ sở/năm.
Trong các cơ sở và hộ gia đình sản xuất gốm hiện nay, có thể nói cơ sở gốm của anh Nguyễn Hồng Quang đã chủ động đi đầu trong tổ chức sản xuất theo hướng đổi mới, coi trọng thiết kế mẫu mã, tính thẩm mỹ. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh Quang trở về quê hương đã đồng hành gia đình, cùng những người yêu nghề ở thôn xóm, đặc biệt là những thanh niên trẻ để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm đầu tư công sức, sự sáng tạo.
Anh Quang và một số thợ làng nghề đã đi tham và học hỏi ở nhiều nơi, chủ động đi thăm nhiều hội chợ triển lãm, tiếp xúc với những nhà khoa học, giới nghiên cứu, những nghề nhân, thợ tài giỏi nhiều nơi để có kỹ năng, sáng tạo làm nghề.
Anh Nguyễn Xuân Đệm, giáo viên từng dạy ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật Vĩnh Phúc đang là người làm cho cơ sở gốm của anh Quang cho hay, các sản phẩm của làng gốm Hương Canh xưa kia như chum, nồi, niêu, vại, ống nước, bình, lọ gắn liền với sinh hoạt thường ngày của đông đảo người dân chất lượng ngày ấy đã rất tốt. Các sản phẩm từ xưa đã có khả năng chịu được mưa nắng, ẩm ướt, môi trường nhiệt độ cao…có thể đặt ở sân, vườn, bếp, chôn vùi xuống đất, cát để bảo quản đồ ăn thức uống, không va đập có tuổi thọ cả ngàn năm. Vì thế, gốm Hương Canh được người dân nhiều tỉnh, thành biết đến và đặc biệt sản phẩm gốm đã đi vào thơ ca: "Sứ Móng Cái/Vại Hương Canh" hay "Ai về mua vại Hương Canh/Ai lên mình gửi cho anh với nàng".
Tuy vậy, trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao, gốm Hương Canh chỉ có chất lượng tốt thôi chưa đủ và buộc phải đổi mới, đa dạng hóa mẫu mã, thiết kế sang trọng để nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa tiếp tục khẳng định vị trí trên thị trường.
“Gốm Hương Canh giờ không chỉ được dùng trong bếp mà còn được sử dụng như những tác phẩm trang trí, một tác phẩm nghệ thuật. Trách nhiệm của tôi và người dân thực sự yêu nghề là phải nâng tầm gốm Hương Canh. Sản phẩm truyền thống phải sống trong hiện tại " - Anh Nguyễn Hồng Quang tâm sự.
Tính trung bình mỗi tháng cơ sở của anh Quang cho ra đời trên dưới 2.000 sản phẩm gốm. Mỗi sản phẩm có giá bán từ 700 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng và số tiền lãi mỗi sản phẩm phổ biến chiếm từ 60-70% tổng chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, các lễ, tết, lễ hội, sự kiến lớn của các địa phương, người có điều kiện kinh tế...đặt hàng theo thiết kế ý tưởng, Cơ sở của cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ, có sản phẩm giá bán lên tới hàng chục triệu đồng/sản phẩm. Phần lớp các sản phẩm gốm của anh làm ra tiêu thụ dễ dàng và nhiều thời điểm "cháy hàng" vì khách đặt mua nhiều nhưng không kịp sản xuất.
Hiện tại, các sản phẩm gốm ở Hương Canh được giới thiệu và tiêu thụ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương... Điều này tạo cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu mua bán sản phẩn gốm Hương Canh cho đông đảo cho các khách hàng.
Theo người dân làm nghề gốm Hương Canh, việc sản xuất gốm của người dân có những thuận lợi do được kế thừa kinh nghiệp, kiến thức của các thế hệ ông cha để lại, những thao tác, khuôn mẫu, mẫu mã sản phẩm sẵn có. Hương Canh các vùng lân cận có vùng nguyên liệu làm gốm đạt tiêu chuẩn cao.
Khác với sản phẩm của làng nghề khác, gốm Hương Canh rắn chắc, không phủ men bên trong với những vật dụng để đồ ăn, chứa nước, chum đựng rượu... được rất nhiều người yêu thích. Đặc biệt, nếu đựng trà bằng sản phẩm gốm Hương Canh thì trà không bị mốc và giữ nguyên mùi thơm đặc trưng; đựng rượu không giảm nồng độ mà để càng lâu thì rượu càng thơm ngon...
Để nghề gốm ở Hương Canh phát triển ổn định, bền vững, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, người làm nghề gốm ở Hương Canh mong muốn các ngành chức năng và chính quyền địa phương xem xét quy hoạch khu sản xuất gốm tập trung. Đồng thời, tạo điều kiện để thanh niên địa phương, đội ngũ thợ đang làm nghề được học tập, nâng cao kiến thức chuyên môn nghề, hỗ trợ về vốn, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất...