Tuy nhiên, hoạt động thương mại đang chịu tác động của rất nhiều các yếu tố bất ổn đến từ các biến động về mặt chính trị xã hội cho đến dịch bệnh, thiên tai, môi trường. Chính vì vậy, việc nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là một yếu tố hết sức thiết yếu đối với các doanh nghiệp.
Kết quả khả quan
Nhận định về hoạt động xuất khẩu quý I/2021, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định: Quý I/2021, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan nhờ những nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ và đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, Việt Nam đã tận dụng được ưu thế của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khi đã có các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra, với thị trường EU, một số mặt hàng hiện vẫn đang được hưởng quy chế về Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) - những ưu đãi EU đã dành cho các sản phẩm của Việt Nam nhiều năm.
Thế nhưng về lâu dài, việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA mới là ưu đãi bền vững và bình đẳng. Đặc biệt, nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế cũng đang có được các ưu đãi về việc tận dụng các nguồn gốc, xuất xứ cộng gộp như mặt hàng dệt may đang được hưởng ưu đãi có thể cộng gộp nguồn nguyên liệu vải Hàn Quốc. Đây cũng là những thuận lợi mà chỉ Hiệp định EVFTA mới có thể đem lại.
Do vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu về những ưu đãi của các hiệp định để thay đổi quy trình sản xuất, nguồn cung nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và có thể được hưởng mức thuế thấp.
Thống kê từ Bộ Công Thương, tháng 3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 28,6 tỷ USD, tăng 41,6% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020. Do vậy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2021 đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 43,2 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 27,1 tỷ USD, tăng 20,6%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 5,35 tỷ USD, tăng 7,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3 đạt 28,2 tỷ USD, tăng 36,5% so với tháng trước và tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với những diễn biến như trên, quý I năm 2021, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,75 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,78 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải bày tỏ, hiện nay, nhập khẩu của Việt Nam về cơ bản vẫn nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu để phục vụ cho các nhóm hàng xuất khẩu.
Thời gian qua, với sự phục hồi của sản xuất cũng như của thị trường các nhóm hàng nguyên liệu cần thiết nhất là nguyên liệu phục vụ cho các nhóm hàng như: đồ gỗ, nhựa, dệt may, da giày và các linh kiện điện tử, linh kiện cho đồ điện gia dụng vẫn đang là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất.
Điều này phản ánh sự cân bằng trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như cơ cấu của các mặt hàng nhập khẩu để phục vụ trong sản xuất. Đây cũng được ví như cơ cấu hợp lý để có thể tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh gia tăng xuất khẩu.
Theo ông Trần Thanh Hải, hoạt động thương mại trong bối cảnh hiện nay chịu tác động của rất nhiều những yếu tố bất ổn đến từ các biến động về mặt chính trị xã hội cho đến dịch bệnh, thiên tai, môi trường.
Vì thế, việc nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là một yếu tố hết sức thiết yếu đối với các doanh nghiệp.
Đòn bẩy tăng trưởng
Mặc dù tăng trưởng xuất nhập khẩu của quý I đã đạt được những kết quả khả quan nhưng nếu nhìn vào từng ngành cụ thể, kết quả đó cũng có những sự khác biệt.
Đơn cử, những mặt hàng như điện tử, điện gia dụng, đồ gỗ nội thất… đang được hưởng lợi cũng như có tác động tương đối tích cực do nhu cầu tăng cao ở các thị trường khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, những ngành hàng như dệt may, da giày vẫn phải đối mặt với khó khăn rất lớn, đặc biệt tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ ở nguồn cung mà còn trong hoạt động vận hành của các chuỗi logistics nên cần xem xét kỹ và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho những ngành hàng chịu tác động lớn của dịch COVID-19.
Theo các chuyên gia thương mại, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 18% quý I/2021. Vì vậy, việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, cùng với nhu cầu tăng trở lại, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: gạo tăng 18,6%, đạt 547 USD/tấn; cà phê tăng 6,8%, đạt bình quân 1.801 USD/tấn; chè tăng 10,2%, đạt bình quân 1.604 USD/tấn; cao su tăng 14,1%, đạt bình quân 1.660 USD/tấn; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 9,3%. Đặc biệt, giá hạt tiêu tăng mạnh nhất, tăng tới 31,5%, đạt bình quân 2.879 USD/tấn.
Ở chiều ngược lại, các chuyên gia cũng thẳng thắn chia sẻ, việc xuất khẩu hàng hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp cho dù nhiều quốc gia đã đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa.
Tại châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Đức, Pháp và Italy tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực trên cả nước trước sự lây lan của dịch COVID-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác.
Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.
Để xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới, vừa là để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua; đồng thời, cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay.
Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến cũng được các cơ quan của Bộ cũng sẽ đẩy mạnh và tìm ra hình thức phù hợp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Mặt khác, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực, trái cây tươi của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.