Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khả năng sau dịch COVID-19, khu vực phía Nam sẽ thiếu nông sản nên cần chuẩn bị sản xuất để có thể cung ứng cho các địa phương phía Nam. Do đó, các lĩnh vực phải có kế hoạch sản xuất và “đi trước đón đầu”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chính sự đóng góp lớn của các địa phương sản xuất nông nghiệp mạnh như Hải Dương, Bắc Giang nên toàn ngành nông nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, hai địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng vật tư nông nghiệp cho sản xuất và có phương án mở rộng diện tích, tăng quy mô đàn, sử dụng giống chất lượng để tăng quy mô, hiệu quả sản xuất.
Cùng với đó, xây dựng các phương án phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Hiện nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, thủy sản đã có kế hoạch phòng, chống cấp quốc gia nên các địa phương phải trình HĐND tỉnh để sớm mua và tiêm vaccine phòng ngừa.
Các đơn vị chuyên môn rà soát các tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất để phổ biến cho người dân tổ chức sản xuất hiệu quả. Việc chỉ đạo sản xuất phải tính đến đáp ứng đúng yêu cầu thị trường xuất khẩu mục tiêu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, dự kiến thu hoạch lúa vụ Mùa ước đạt 284.580 tấn; trong đó, tiêu thụ trong tỉnh khoảng 70% sản lượng, số còn lại tiêu thụ ngoài tỉnh. Về rau, Bắc Giang sẽ thu hoạch rải vụ từ nay đến tháng 9/2021 với 83.000 tấn; trong đó, tiêu thụ nội tỉnh chiếm trên 70%, còn lại tiêu thụ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trái cây như cam, bưởi sẽ cung cấp 100.000 tấn, với 80% tiêu thụ ngoài tỉnh.
Đối với cây vụ Đông, tỉnh có diện tích rau các loại và khoai tây khoảng 13.000 ha; sản lượng ước đạt khoảng 230.000 tấn. Trong số đó, rau chế biến ước đạt 1.800 ha, sản lượng ước khoảng 36.000 tấn. Sản lượng rau tiêu thụ trong tỉnh khoảng 60%, số còn lại tiêu thụ ngoài tỉnh, chủ yếu là Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên... Riêng rau chế biến, trên 80% có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp như: dưa bao tử, cà chưa bi, ngô ngọt, khoai tây...
Về chăn nuôi, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, đàn lợn của tỉnh đạt 941.758 con, đàn gia cầm 20,847 triệu con, đàn trâu 41.102 con, đàn bò 130.870 con. Dự kiến đến hết quý IV/ 2021, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 55.270 tấn, sản lượng tiêu thụ trong tỉnh khoảng 40%, số còn lại tiêu thụ ngoài tỉnh; sản lượng trứng gia cầm đạt 46.675 nghìn quả, tiêu thụ trong tỉnh 50%.
Về vật tư sản xuất cho vụ Đông và Đông Xuân tới, về cơ bản nguồn giống trong tỉnh đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Cụ thể, lúa giống đáp ứng từ 30 - 40%, lạc giống 100%, khoai tây giống từ 20 - 30%; 100% giống rau các loại, ngô giống phải cung cấp từ tỉnh ngoài. Lợn giống đáp ứng đủ 100%, gia cầm khoảng 60%, 298 triệu con giống thủy sản các loại đáp ứng đủ nhu cầu giống trong tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ có biện pháp cấp bách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, nếu không sẽ xảy ra nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm. Với tình hình giá gà, lợn đang giảm, Bộ xem xét chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kho dự trữ thịt lợn, gia cầm, giúp bình ổn giá thực phẩm.
Ông Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp 6 tháng cuối năm đạt từ 4,5 - 5% và tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh như chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm, tiêm phòng vật nuôi…; đồng thời, đẩy mạnh việc tái đàn để đảm bảo nguồn thực phẩm cho tỉnh cũng như các địa phương khác.
Bắc Giang sẽ chỉ đạo linh hoạt các hình thức tổ chức sản xuất để đảm bảo kế hoạch đề ra, trước mắt là sản xuất vụ Đông Xuân. Tỉnh cơ cấu lại cây trồng rau, quả theo hướng vận chuyển thuận lợi và bảo quản được trong thời gian dài như: bầu bí, khoai tây..., góp phần đảm bảo đủ nguồn cung nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tỉnh cũng tập trung chuẩn bị đủ nguồn cung ứng giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra, tránh để xảy ra tình trạng trục lợi nâng giá vật tư nông nghiệp ảnh hưởng đến sản xuất.
Với Hải Dương, ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ Mùa có 55.250 ha, dự kiến sản lượng 315.000 tấn thóc. Bên cạnh đó, lượng thóc thu từ vụ Xuân còn trong dân khoảng 217.300 tấn.
Hải Dương hiện có 6.500 ha rau màu và thu hoạch liên tục, sản lượng trung bình 50.000 tấn/tháng. Kế hoạch gieo trồng cây vụ Đông đạt 21.000 ha, thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 3 năm 2022 và sản lượng chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố và xuất khẩu.
Hải Dương có tổng đàn lợn 370.000 con, gia cầm 14 triệu con, trứng gia cầm tươi khoảng 16 triệu quả/tháng. Sản lượng sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ trong tỉnh khoảng 50%, số còn lại xuất đi các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… Bình quân mỗi tháng, các địa phương thu hoạch và tiêu thụ khoảng 8.000 - 10.000 tấn thủy sản nuôi ao.
Về vật tư nông nghiệp, Hải Dương có nhu cầu chủ yếu giống vụ Đông và hiện cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Nhu cầu phân bón từ nay đến hết năm cần khoảng 85.000 tấn; trong đó, lượng tồn và khả năng cung ứng của các đơn vị trong tỉnh đáp ứng khoảng 70%, còn lại phải nhập từ ngoài tỉnh. Nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật từ nay đến hết năm, tỉnh cần khoảng 160 tấn; trong đó, lượng tồn trong tỉnh chỉ còn khoảng 30%.
Hiện nay, nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ miền Nam không vận chuyển ra Bắc được. Nhiều công ty phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để tránh lây lan dịch bệnh. Ông Vũ Việt Anh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị ngành chức năng tạo điều kiện để các xe vận chuyển nông sản, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được qua các chốt kiểm soát COVID-19 đảm bảo theo nguyên tắc phòng dịch một cách thuận lợi.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin và dự báo kịp thời, chính xác nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để địa phương kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất trong thời gian tới, đặc biệt có giải pháp cụ thể giúp Hải Dương tiêu thụ rau vụ Đông để tránh bị dư thừa, dồn ứ.
Là trung tâm sản xuất rau màu khu vực phía Bắc, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND Hải Dương cho biết, tỉnh phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp 6 tháng cuối năm đạt 3%. Mặc dù là địa phương có vùng sản xuất chuyên canh lớn, nhưng khâu sơ chế, chế biến còn yếu, nếu bảo quản tốt thì sản phẩm có thể bán quanh năm. Do vậy, tỉnh đề nghị cơ quan chức năng có chính sách đặc thù cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn như: giống, quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến…