Về các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP những ngày này có thể cảm nhận rõ không khí khẩn trương, tất bật cho đợt hàng lớn nhất trong năm. Dịp Tết Nguyên đán năm 2024, Hợp tác xã nông nghiệp sạch Kim Thành (xã Kim Liên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) chuẩn bị khoảng 5.000 lít mắm cáy cung cấp ra thị trường. Hiện nay, hợp tác xã có 8 thành viên sản xuất mắm cáy.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành chia sẻ, mắm cáy của hợp tác xã vừa được Ủy ban Nhân dân huyện chấm đạt tiêu chí OCOP 3 sao. Anh Phạm Tiến Dư - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Kim Thành cho biết, chất lượng mắm cáy của cơ sở anh sản xuất những năm qua đã được thị trường khẳng định.
Những ngày qua, các thành viên hợp tác xã rất phấn khởi vì lượng khách đặt mua tiêu thụ dịp Tết tăng cao. Mới đây, có 1 khách hàng đặt 1.000 lít mắm cáy bán ở Hải Phòng. Trước đó, tháng 12, đại diện chuỗi siêu thị GO và Winmart đã về tham quan cơ sở sản xuất và bàn phương án hợp tác với Hợp tác xã để đưa sản phẩm vào hê thống siêu thị.
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất nấm Hải Dương ở xã Quang Phục, Tứ Kỳ rộng khoảng 4.000 m2 đang trồng các loại nấm mỡ, nấm sò. Theo một nhân viên cơ sở này, từ khi được chứng nhận OCOP, việc tiêu thụ thuận lợi, nấm thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Hiện tại, sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường Hải Dương và Hà Nội. Xưởng liên tục có những đợt nấm thu hoạch luân phiên để cung cấp cho thị trường, cao điểm từ nay cho đến Tết nguyên đán, đặc biệt sau 23 tháng chạp.
Để phục vụ cho lượng đơn hàng Tết, cơ sở sản xuất hương thảo mộc của Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Bảo Lộc của anh Bùi Đức Bình tại xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ đều hoạt động hết công suất. Thời gian gần đây, người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng hương làm từ thảo mộc. Do đó, dịp Tết năm nay, lượng đơn hàng của cơ sở tăng nhiều so với năm trước. Hiện doanh nghiệp đang có hơn 30 công nhân tất bật các công đoạn làm hương Tết.
Chị Nguyễn Thị Thùy, kế toán công ty cho biết, Rằm tháng Bảy, dịp Tết và Thanh Minh là những dịp cao điểm sản xuất của cơ sở. Riêng vào mùa làm hàng Tết, cơ sở tăng công suất và sản lượng gấp đôi ngày thường mới có thể đáp ứng kịp thời khách lẻ và khách mua buôn. Vào ngày nắng, cơ sở có thể sản xuất ra 3 tấn thành phẩm.
Công ty hiện có 7 loại sản phẩm như các dòng hương thảo mộc, trầm vòng, trầm nén, trầm nụ. Sản phẩm làm từ nguyên liệu hoàn toàn là thảo mộc, từ rừng của Chí Linh (Hải Dương) và nhập từ Quảng Ngãi. Mặt hàng bán chạy nhất trên thị trường là hương nén, trầm nụ, trầm vòng. Hiện nay, sản phẩm của doanh nghiệp ngoài cung cấp tại Hải Dương thì đang được bán ở các thị trường như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam.
Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm dịp Tết, các chủ thể OCOP đã tích cực vừa nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã vừa năng động trong xúc tiến thương mại, tìm nhiều kênh tiêu thụ.
Theo anh Phạm Tiến Dư, ngay sau khi sản phẩm mắm cáy của anh được đánh giá OCOP, một mặt, hợp tác xã tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt khác, kịp thời cải tiến mẫu mã, tem nhãn cho đợt hàng Tết.
“Chúng tôi cũng tích cực tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm song song với việc bán hàng trên các kênh online và tiếp tục tìm kiếm các nhà phân phối. Về lâu dài, hợp tác xã có hướng sẽ kết nối với kênh siêu thị để bán hàng”, anh Dư chia sẻ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tứ Kỳ Đào Văn Soái cho biết: Năm 2023, Tứ Kỳ có 20 sản phẩm OCOP được đánh giá 3 sao và 3 sản phẩm 4 sao. Để triển khai kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ các chủ thể OCOP từ việc hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá OCOP đến đồng hành cùng các chủ thể trong quá trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường để xứng tầm với danh hiệu sản phẩm OCOP.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Thành, hiện, địa phương có 19 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, 1 sản phẩm 4 sao. Sau khi sản phẩm được công nhận OCOP, huyện tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ giúp chủ thể đẩy mạnh công tác quảng bá làm nổi bật chất lượng tính đặc trưng tiêu biểu của địa phương, kết nối tiêu thụ sản phẩm để các sản phẩm phát huy được giá trị.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho thấy, đến nay, tỉnh đã có 351 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng; trong đó, có 118 sản phẩm 4 sao, 231 sản phẩm 3 sao và có 2 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao. Cùng với tư vấn chuẩn hóa, phát triển sản phẩm và xây dựng hồ sơ sản phẩm, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất xúc tiến thương mại được Hải Dương đẩy mạnh. Các chủ thể được hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, kết nối thông tin các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, kết nối thông tin trên nhóm chương trình Quản lý OCOP của Trung ương...
Nhờ đa dạng kênh phân phối, thị trường tiêu thụ nói chung và các đơn hàng Tết của các mặt hàng OCOP Hải Dương ngày càng mở rộng, theo chân người tiêu dùng sang nước ngoài, góp phần quảng bá sâu rộng chất lượng sản phẩm OCOP, đưa những đặc sản của Hải Dương vươn xa.