Tuyến tránh thành phố Cao Lãnh thuộc giai đoạn 3 của Dự án nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự. Dự án này được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2008, với tổng kinh phí hơn 2.570 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là xây dựng tuyến tránh thành phố Hồng Ngự và giai đoạn 2 là nâng cấp, mở rộng khoảng 40 km Quốc lộ 30 (đoạn từ cầu Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh đến tuyến tránh thành phố Hồng Ngự) đều đã hoàn thành, đưa vào sử dựng.
Đối với Dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh, được khởi công xây dựng từ năm 2010. Đến năm 2011, việc bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, thi công được một phần nền đường rồi dự án tạm dừng thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Ban Quản lý Dự án dầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, sau hơn 10 năm dừng thi công, tuyến tránh thành phố Cao Lãnh dài trên 14,5 km với vốn đầu tư hơn 900 tỷ đồng được khởi công trở lại vào ngày 27/7/2022.
Dự án có điểm đầu nối với Quốc lộ 30 tại xã An Bình (huyện Cao Lãnh), điểm cuối nối với Quốc lộ 30 tại khu vực gần cầu Phong Mỹ, thuộc xã Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh). Mặt đường rộng 11m, vận tốc 80km/h. Ngoài phần đường, dự án còn xây cầu, cống, đường nhánh ra các điểm giao cắt.
Dự kiến, Dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên, việc xử lý nền đất yếu mất nhiều thời gian gia tải, chờ lún để đảm bảo chất lượng công trình; cùng đó, việc di dời hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành. Đặc biệt, trở ngại lớn nhất là về nguồn cát san lấp vì vật liệu này khan hiếm, có lúc bị gián đoạn cung cấp nguồn cát nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Đến nay, tiến độ thực hiện dự án này đạt trên 55%, chậm hơn so với kế hoạch. Tổng số vốn đã giải ngân của cả dự án đạt trên 405 tỷ đồng, đạt 44,45%. Theo ông Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, việc thi công phần đường chậm tiến độ vì cần nhiều cát để đắp nền, trong khi đó từ tháng 3 đến tháng 7/2023, các mỏ cát dừng khai thác để đánh giá lại trữ lượng nên nguồn cát cung cấp cho dự án cũng tạm ngưng.
Trước khó khăn thiếu hụt nguồn cát, để góp phần bù lại tiến độ, các nhà thầu tập trung thi công những công trình cầu, cống thuộc dự án. Đến nay, có 10/13 cầu cơ bản hoàn thành, gồm: Cầu Ông Tú, Cái Vừng, Ngã Cại, Quảng Khánh, Rạch Chanh, Vạn Thọ, Bà Chợ, Bà Học, Trâu Trắng và cầu vượt Điện Biên Phủ. Các cầu còn lại và 16 cống tròn, 11 cống hộp đang đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh, đoạn gần khu vực giao với đường ĐT846 (thuộc xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh) đang được cung cấp cát đắp nền sau thời gian tạm ngưng. Tại công trường, có nhiều phương tiện máy ủi, máy đào, xe lu... đang hoạt động. Dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh có 3 gói thầu thi công, cần hơn 530.000 m3 cát, dự án đã được cấp trên 50% nhu cầu cát. Sau một thời gian bị gián đoạn, hiện nay, nguồn cát phục vụ dự án được cung cấp trở lại. Do vậy, các nhà thầu tăng cường thêm nhân lực, thiết bị để tăng tốc thực hiện, đẩy nhanh tiến độ.
Ông Nguyễn Văn Thái, đại diện Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Nhơn Thành (đơn vị thi công gói thầu số 9) cho biết, từ khi nhận được cát, nhà thầu đã tăng tốc thi công nhằm bù lại tiến độ bị chậm; tăng cường thêm nhân lực, thiết bị và tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi thi công đẩy nhanh tiến độ dự án. Hiện nay, trên công trường bố trí tổng cộng 15 xe các loại phục vụ thi công, tăng gấp đôi so với trước.
Khó khăn lớn nhất về nguồn cát dần được giải quyết; các nhà thầu cũng cố gắng tăng tốc thi công để sớm hoàn thành Dự án tuyến tránh thành phố Cao Lãnh. Khi đưa vào hoạt động, dự án này sẽ giúp giảm lưu lượng xe qua thành phố Cao Lãnh, kết hợp với các tuyến cao tốc sẽ đi nhanh hơn về thành phố Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, đồng thời kết nối đô thị phía Nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp.