Cùng đó, thành phố cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài theo tiêu chí phù hợp với điều kiện mới; hoàn thành việc quy hoạch, tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị.
Với các mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh đã và đang từng bước đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế; trong đó, không ngừng củng cố về mọi mặt để tạo đòn bảy vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Bài 1: Sẵn sàng bứt phá
Sau một năm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đầy khó khăn, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục phát huy tác dụng, các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch; việc tháo gỡ khó khăn các dự án đầu tư đã tác động tích cực đến môi trường đầu tư; tình hình dịch bệnh được tiếp tục được kiểm soát hiệu quả; tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính trị và đồng thuận xã hội tăng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tạo động lực, nền tảng vững chắc cho TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2023.
Nền tảng vững chắc
Năm 2022, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do hậu quả của đại dịch COVID-19 và sự biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới vượt ra ngoài dự báo đầu năm, song sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, với ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã phục hồi nhanh và khá toàn diện.
Theo đánh giá chung của UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2022, kinh tế phục Thành phố hồi nhanh, đồng bộ và khá toàn diện; đã triển khai thực hiện hiệu quả Giai đoạn 1 Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố; dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, hệ thống y tế cơ sở được quan tâm củng cố, các biện pháp y tế chiến lược được tăng cường.
Cụ thể quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch COVID-19. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) ước tăng 9,03% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 2022 là 6-6,5%). Thu ngân sách trên địa bàn đạt 471.562 tỷ đồng, đạt gần 122% dự toán và tăng 23,6% so với năm 2021. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tốt; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021 (năm 2021 so với năm trước giảm 1,0%); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021 (năm 2021 so với năm trước giảm 1,0% tăng 12,95).
Các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch, thành phố đã khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 (nay được đổi tên là cầu Ba Son), hoàn thành các thủ tục khởi công dự án Vành đai 3 và nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng. Triển khai các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc cải cách hành chính được quan tâm thực hiện.
Hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 16/NQ-CP của Chính phủ: Về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 và được Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất trình và được Quốc hội cho phép thành phố kéo dài việc thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP, ngày 12/4/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đến khi có nghị quyết mới; xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế, dự kiến trình Chính phủ dự thảo nghị quyết mới để trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm năm 2023.
Để đạt được những kết quả nổi bật nêu trên, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu năm 2022, trên cơ sở quán triệt các nghị quyết của Trung ương, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp đồng bộ, phân công cụ thể các đơn vị thực hiện. Trong quá trình triển khai, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cơ quan Trung ương, các địa phương trong cả nước; sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, đến nay có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ đạt nhiều kết quả tích cực.
Giữ vững đà tăng trưởng
Dự báo nền kinh tế trong nước, cũng như trên địa bàn thành phố sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh quyết tâm đề ra các mục tiêu, nhóm giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì đà tăng tưởng kinh tế, tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của kinh tế cả nước.
Thông tin về những mục tiêu trong năm 2023 của thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định chủ đề năm 2023: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” với 17 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó có 7 chỉ tiêu về kinh tế. Đó là: tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5% - 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên…
Trong năm 2023, thành phố tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện 49 chương trình, đề án và sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành lập Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040; Đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh đến năm 2040.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố cũng tiến hành xây dựng tiêu chí thu hút FDI, đề án huy động đầu tư xã hội; chính sách phát huy kiều hối và định hướng dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thành phố triển khai kế hoạch sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý tài sản công; kế hoạch bán đấu giá nhà đất công, đề án khai thác quỹ đất dọc metro, dọc Vành đai 3... “Tất cả những đề án này là cơ chế, tạo kênh để huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đạt mục tiêu tổng đầu tư xã hội đạt 35%”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
TP Hồ Chí Minh tập trung tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu, thích ứng; phát triển kinh tế số và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; chuyển đổi mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao; hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển logistics, thúc đẩy đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển du lịch thông minh.
Về kết nối hạ tầng, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện, đưa vào sử dụng các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu, nhất là dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1); khẩn trương triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), đường Vành đai 3, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Rạch Xuyên Tâm...
Để đạt mục tiêu đặt ra, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh xác định tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công; tăng cường quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, bổ sung vốn cho đầu tư chỉnh trang đô thị, xây dựng nhà ở xã hội, cải thiện môi trường.
Tiếp tục giải quyết những vấn đề quan trọng cấp bách của thành phố, trước hết là đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn chỉnh 3 quy hoạch Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040; Quy hoạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Chiến lược quản lý phát triển hành lang sông Sài Gòn; tập trung khai thác tiềm năng chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển công viên cây xanh, chống ngập và xử lý nước thải, quy hoạch xử lý chất thải rắn.
Bài cuối: Chú trọng những khâu đột phá