Từ thực tế cho thấy, rừng gỗ lớn FSC cho giá trị kinh tế cao và có đầu ra ổn định, khi đã chinh phục được những thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Người dân và các tổ chức trồng rừng FSC, có nguồn thu nhập cao hơn so với trồng rừng thông thường từ 2 - 3 lần, trên cùng một đơn vị diện tích. Ngoài ra, trồng rừng gỗ lớn FSC còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu. Rừng gỗ lớn FSC mang lại nhiều lợi ích, được nhà nước khuyến khích trồng nhưng người dân vẫn chưa mặn mà với loại rừng này.
Rừng gỗ lớn FSC cho thu nhập cao
Nếu như chính sách của nhà nước về “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, đã giúp hàng chục nghìn hộ dân tạo được sinh kế nhờ trồng rừng để vươn lên thoát nghèo, thì chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn FSC lại đang giúp các hộ dân làm giàu.
Vùng gò đồi và miền núi của 4 tỉnh, thành Trung Trung Bộ gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam có thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc trồng rừng với bộ cây giống chủ lực là keo các loại. Ông Lê Văn Quyền ở thôn Nại Hiệp, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 3 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn FSC.
Theo ông Lê Văn Quyền, rừng gỗ lớn FSC mang lại nhiều lợi ích và cho giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ theo truyền thống. Trong khi chi phí đầu tư trồng rừng FSC cũng không tăng so với trồng rừng gỗ nhỏ, đặc biệt việc tiêu thụ gỗ rừng FSC diễn ra rất thuận lợi và không lo mất giá.
Hộ ông Nguyễn Đức Cường ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có hơn 50 ha rừng gỗ lớn FSC. Trước đây khi còn trồng rừng gỗ nhỏ, đến thời kỳ thu hoạch gia đình ông Cường thường bị tư thương ép giá nên phải bán gỗ rừng với giá rẻ mạt. Mỗi ha rừng gỗ nhỏ trồng 5 năm chỉ có doanh thu từ 70 - 80 triệu đồng. Do đó, ông Cường đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 50 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn FSC.
Ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ, rừng gỗ lớn FSC có chu kỳ khai thác dài từ 8 - 10 năm nhưng cho thu nhập từ 230 - 250 triệu đồng/ha.
Mặc dù mới được nhân rộng nhưng người dân ở các tỉnh, thành Trung Trung bộ đã thấy được hiệu quả kinh tế mà rừng gỗ lớn FSC mang lại. Hiện nay, việc trồng rừng gỗ lớn FSC tập trung chủ yếu ở các công ty lâm nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân.
Cả nước hiện có khoảng trên 230.000 ha rừng gỗ lớn FSC; trong đó, 4 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã có khoảng trên 35.600 ha, chiếm đến gần 15,5% tổng diện tích rừng loại này của cả nước.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết, Chính phủ đã quyết định đóng cửa rừng tự nhiên nên sản phẩm gỗ từ rừng tự nhiên cung cấp trên thị trường ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu gỗ ngày càng tăng.
Do vậy, việc trồng rừng gỗ lớn FSC để cho sản phẩm gỗ chất lượng cao thay thế gỗ rừng tự nhiên, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu là yêu cầu tất yếu cả hiện nay và tương lai. Bởi loại rừng này ngoài có ưu thế về chất lượng gỗ vượt trội, còn truy xuất được nguồn gốc gỗ khi khai thác - một điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm từ gỗ.
Công ty Lâm nghiệp Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) đang quản lý và khai thác 8.665 ha rừng gỗ lớn FSC. Theo đại diện công ty, các đơn vị quản lý rừng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hàng ngày các hoạt động khai thác gỗ thông qua áp dụng hệ thống theo dõi chuỗi hành trình sản phẩm gỗ và thông tin phản hồi thường xuyên từ khách hàng, chuỗi hành trình của lâm sản từ rừng của công ty luôn được duy trì.
Một lợi thế nữa đối với gỗ và sản phẩm từ gỗ rừng trồng ở các tỉnh, thành Trung Trung bộ là rất thuận lợi xuất khẩu qua cửa khẩu ở chính các địa phương này. Cụ thể, gỗ và sản phẩm từ gỗ ở khu vực này thường xuất khẩu qua các cảng biển: Cửa Việt (Quảng Trị), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng), Chu Lai (Quảng Nam); Cửa khẩu đường bộ qua nước bạn Lào gồm: Lao Bảo và La Lay (Quảng Trị), A Đớt và Hồng Vân (Thừa Thiên - Huế), Nam Giang và Tây Giang (Quảng Nam).
Nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng nói chung, gỗ rừng FSC nói riêng dồi dào đã giúp ngành công nghiệp chế biến gỗ của các tỉnh, thành: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam phát triển hàng đầu của cả nước.
Chẳng hạn, tỉnh Quảng Trị có ngành công nghiệp sản xuất gỗ thành phẩm phát triển mạnh và đứng thứ hai cả nước, với 41 nhà máy chế biến gỗ và gần 200 cơ sở kinh doanh chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ. Việc phát triển rừng trồng nói chung, rừng gỗ lớn FSC nói riêng ở Quảng Trị, đã tạo ra nguồn nguyên liệu gỗ đảm bảo chất lượng và dồi dào từ 800.000 - 1 triệu/m3/năm để cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng trong năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam, dự kiến vẫn đạt 12 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của nước ta sẽ đạt 15 tỷ USD. Điều đó cho thấy, việc phát triển rừng trồng, nhất là rừng gỗ lớn FSC ở Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành Trung Trung bộ nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc tăng nhanh về giá trị cho ngành lâm nghiệp.
Bảo vệ môi trường, hạn chế phá rừng
Nhận thức được tầm quan trọng của trồng rừng gỗ lớn FSC, nhiều địa phương ở các tỉnh, thành khu vực Trung Trung bộ đã đưa việc phát triển loại rừng này vào Nghị quyết Đại hội Đảng để thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Nam cho biết, trồng và phát triển rừng gỗ lớn FSC đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hiệp Đức nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm thu hút các nhà đầu tư, người dân tham gia vào việc trồng và bảo vệ rừng vốn được xem như là “lá phổi xanh”.
Việc khuyến khích người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn FSC đã từng bước tạo ra một hướng đi mới, góp phần vào việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Đồng thời, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, tiếp thêm cơ hội cho người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.
Thành phố Đà Nẵng mặc dù có ít diện tích rừng, nhưng địa phương này đã có định hướng phát triển vùng trồng rừng gỗ lớn FSC lên đến hàng nghìn ha. Việc phát triển rừng gỗ lớn FSC ở Đà Nẵng ngoài nâng cao về giá trị còn nhằm bảo vệ môi trường.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Trần Viết Phương chia sẻ, lợi ích của rừng gỗ lớn FSC không chỉ có tác động đến môi trường rừng, mà còn có tác động đến cả lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Các nguyên tắc khắt khe khi trồng rừng gỗ lớn FSC không chỉ bảo vệ nguồn gỗ rừng mà còn bảo vệ cả nguồn nước, bầu không khí.
Cụ thể, việc trồng rừng gỗ lớn FSC của các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ những biện pháp như: cấm khai thác rừng già hiếm, ngăn ngừa mất rừng tự nhiên, không sử dụng chất atrazine có trong thuốc diệt cỏ làm suy giảm thực vật. Bởi khi sử dụng hóa chất này, nó có thể ngấm xuống đất nhiễm vào nguồn nước ngầm hoặc phát tán ra không khí gây hại cho sức khỏe con người.
Không chỉ có nhà quản lý mà chính người trồng rừng cũng đã nhận thức được lợi ích của rừng gỗ lớn FSC, đối với môi trường và bảo vệ rừng. Sau nhiều năm tìm hiểu trồng rừng gỗ lớn FSC, ông Nguyễn Đình Ánh, ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nhận thấy, người trồng rừng theo chứng chỉ FSC thường xuyên được nhà nước tập huấn, hướng dẫn trồng chăm sóc rừng. Trong quá trình chăm sóc rừng gỗ lớn FSC không dùng thuốc trừ cỏ, không vứt bừa bãi rác thải làm ảnh hưởng đến môi trường rừng, trước khi trồng rừng không đốt thực bì.
Đối với rừng gỗ nhỏ sau khai thác, phải mất ít nhất 2 năm cây rừng mới phát triển để tăng độ che phủ rừng. Còn rừng gỗ lớn FSC có chu kỳ khai thác từ 8 - 10 năm, khi khai thác cũng có chọn lựa nên vẫn giữ được độ che phủ để hạn chế lũ lụt. Người dân phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất suy cho cùng cũng là vì sinh kế. Nếu hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn trên mảnh đất đã được cấp, cho thu nhập cao và ổn định họ sẽ gắn bó với mảnh đất đã có lâu dài.
Bài 2: Khuyến khích nhưng người dân chưa thích