Tại huyện Quảng Ninh, hiện công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đạt 94,61%. Mặt bằng thi công không liên tục, bị ngắt quãng do các vướng mắc về tài sản tạo lập trên đất rừng, đền bù trang trại nuôi trồng thủy sản, di dời lăng mộ. Sau một thời gian dài vận động, một số hộ nuôi trồng thủy sản đã đồng ý với phương án đền bù giải phóng mặt bằng.
Anh Ngô Văn Huy (thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết: Gia đình cũng nhận thấy dự án đường ven biển là dự án lớn của tỉnh Quảng Bình và của cả nước, khi có con đường thì người dân cũng đi lại thuận tiện hơn, bộ măt đời sống người dân cũng thay đổi khang trang hơn. Sau khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình đã tự tháo dỡ các tài sản trên trang trại nuôi trồng thủy sản để bàn giao mặt bằng, triển khai dự án.
Ông Phan Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thống kê, kiểm đếm, tiến hành phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường ven biển đi qua địa bàn xã một cách tích cực. Đa số các hộ dân cũng chấp hành tốt chủ trương, song cũng gặp không ít khó khăn, một số hộ vi phạm về sử dụng đất, tạo lập tài sản trên đất, huyện cũng đã xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, về phương án bồi thường có một số hộ cũng không đồng tình, chính quyền địa phương đã thành lập các tổ thường xuyên về tuyên truyền vận động các hộ tự động tháo dỡ tài sản tạo lập trên đất để trả lại mặt bằng thi công tuyến đường ven biển. Đến nay, tại xã Hải Ninh đã có 1 hộ nuôi trồng thủy sản tự tháo dỡ tài sản, một hộ tháo dỡ một phần; còn 2 hộ nuôi trồng thủy sản và 2 hộ dân liên quan đến đất ở vẫn chưa đồng ý giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, có 3 lăng mộ cũng chưa di dời.
Dự án thành phần 1 – Đường ven biển có tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng, đi qua 16 xã phường của 6 huyện, thị xã, thành phố; ảnh hưởng đến 1.083 hộ dân, tổ chức và 21 trang trại nuôi trồng thủy sản. Hiện Dự án đang thi công đồng loạt 7/7 gói thầu của Dự án với phạm vi mặt bằng được bàn giao thi công liên tục là 70,2/80 km, đạt tỷ lệ 87,8%; cơ bản các hạng mục cầu cống, công trình thoát nước, nền đường, móng đường đang thi công. Một số huyện có tỷ lệ giải phóng mặt bằng chậm như: Thành phố Đồng Hới đạt 66,3%, huyện Lệ Thủy đạt 81,93%, huyện Quảng Trạch đạt 87,8%; các địa phương còn lại đều đạt tỷ lệ 95 – 97%.
Ông Lê Viết Thuấn, cán bộ kỹ thuật Tập đoàn Sơn Hải cho hay, hiện đơn vị thi công đang tập trung toàn bộ máy móc, thiết bị, nhân công để thi công gói thầu XL – 05, Dự án thành phần 1 - Đường ven biển đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, hiện trên tuyến vẫn còn một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khiến thi công bị ngắt quãng, không liên tục. Đơn vị thi công mong muốn các cấp ban, ngành, chính quyền địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc, bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công đảm bảo tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Bình bày tỏ, dự án đường ven biển của tỉnh Quảng Bình do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, được khởi công vào đầu năm 2022, chiều dài 80km, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình, công tác giải phóng mặt bằng đạt được một số kết quả tích cực. Hiện, dự án còn vướng hơn 10 km mặt bằng, đặc biệt ở huyện Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới khiến thi công trên tuyến bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng của dự án tập trung chủ yếu ở các nhóm vấn đề chính gồm: tái định cư cho các hộ dân có đất ở và nhà ở bị ảnh hưởng; bồi thường đối với các trang trại nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng và việc di dời các lăng mộ; hạ tầng kỹ thuật và một số tranh chất đất đai giữa các chủ sở hữu đất.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình sẽ quan tâm chỉ đạo quyết liệt giải phóng mặt bằng tại các trang trại nuôi trồng thủy sản, công tác tái định cư để đảm bảo bàn giao mặt bằng toàn bộ dự án cho đơn vị thi công trong năm 2024.
“Vừa qua, Ban chỉ đạo Dự án thành phần 1 – Đường ven biển đã có nhiều chỉ đạo, kiểm tra hiện trường, tổ chức các cuộc họp với các ngành, các địa phương để giải quyết các vướng mắc. Ban chỉ đạo cũng thành lập Hội đồng thẩm định tính liên hoàn của các trang trại nuôi trồng thủy sản và Hội đồng xác định giá của các hộ nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Đây là mấu chốt khá quan trọng để giúp cho việc giải quyết các vướng mắc về đền bù nuôi trồng thủy sản được giải quyết trong thời gian tới”, ông Nguyễn Ngọc Quý cho biết thêm.