Theo đó, gói thầu 26 tăng cường mặt đường này được hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2020 và đang trong thời gian bảo hành. Thời gian qua, đoạn tuyến này phát sinh hư hỏng mặt đường, thuộc trách nhiệm sửa chữa hư hỏng của Ban Quản lý dự án Thăng Long, các nhà thầu thi công.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian qua đơn vị đã có nhiều văn bản đôn đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị chức năng khẩn trương sửa chữa, khắc phục các hư hỏng tồn tại, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Thống kê của Cục Quản lý đường bộ III cho thấy, diện tích sửa chữa trên tuyến Quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên là gần 1.500 m2; trong đó: 13,2 m2 sình lún, 750 m2 rạn nứt, 5 m2 ổ gà và còn có thể tiếp tục phát sinh trong thời gian tới.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo nhà thầu tiến hành đảm bảo giao thông ngay và sửa chữa triệt để các hư hỏng của gói thầu số 26; tăng cường cán bộ quản lý của Ban, nhà thầu trực tiếp bám sát hiện trường, chỉ đạo hiện trường...
Trao đổi với phóng viên TTXVN, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, gói thầu 26 triển khai thi công tăng cường lớp kết cấu áo đường từ năm 2017, hoàn thành đầu năm 2019 và được đưa bào sử dụng từ tháng 8/2020, còn bảo hành đến tháng 8/2022, do Nhà thầu liên danh Công ty TNHH Hợp Tiến - Công ty cổ phần Bắc Phương thi công.
Từ khi gói thầu đưa vào khai thác sử dụng, Ban Quản lý dự án Thăng Long thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu nghiêm túc khắc phục kịp thời các hư hỏng, bảo hành công trình.
Ngay đầu mùa mưa năm 2021, khi phát hiện đoạn tuyến có phát sinh một số ổ gà, Ban Quản lý dự án Thăng đã có 4 văn bản yêu cầu nhà thầu thi công sửa chữa hư hỏng theo trách nhiệm bảo hành công trình, đảm bảo an toàn giao thông… Tuy nhiên, việc sửa chữa khắc phục của nhà thầu là Công ty TNHH Hợp Tiến chưa kịp thời.
Để xử lý nhà thầu chậm bảo hành, ngay trong ngày 15/11, Ban Quản lý dự án Thăng Long đã ký hợp đồng sữa chữa trực tiếp với một nhà thầu ngay trên địa bàn Phú Yên tăng cường sửa chữa khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông các vị trí hư hỏng từ tiền giữ bảo hành của của nhà thầu (Công ty TNHH Hợp Tiến), với thời gian thi công dự kiến 20 ngày.
Tuy nhiên, thời điểm này, công trình gặp thời tiết bất lợi, mưa kéo dài, các đơn vị thi công mới chỉ tăng cường tổ chức đảm bảo giao thông tạm bằng vật liệu tại chỗ theo quy định khiến việc ổn định mặt đường, đảm bảo giao thông trong điều kiện mưa lớn, kết hợp với các phương tiện giao thông di chuyển tần suất cao gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị tăng cường nhân sự trực tiếp vào hiện trường để chỉ đạo, đẩy tiến độ khắc phục, đảm bảo giao thông. Đối với việc vi phạm hợp đồng trong bảo hành công trình của nhà thầu (Công ty TNHH Hợp Tiến), Ban Quản lý dự án Thăng Long sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xử lý theo đúng các quy định của hợp đồng và các quy định của pháp luật.
Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1265+00 - Km1353+300 qua Phú Yên do Ban Quản lý dự án Thăng làm đại diện chủ đầu tư đã hết thời gian bảo hành (48 tháng) và đã được bàn giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ tháng 4/2021. Riêng gói thầu 26 thi công tăng cường lớp kết cấu áo đường có tổng cộng gần 9,5km nằm rải rác trên địa phận 2 huyện Chí Thạnh và Đông Hòa (tỉnh Phú Yên), có tổng diện tích mặt đường tăng cường hơn 170.000 m2.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt nam đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhất là trong mùa mưa bão.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa bão, đặc biệt những ngày qua, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về hiện tượng mặt đường trên tuyến Quốc lộ 1 thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... bị hư hỏng, xuất hiện ổ gà gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.
Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giao Cục Quản lý đường bộ III; các sở Giao thông Vận tải: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông; các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT trên các tuyến quốc lộ khu vực miền Trung và Tây Nguyên tăng cường bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ trên địa bàn.
Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống đường quốc lộ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên có những tuyến đã khai thác sử dụng nhiều năm, trong khi lưu lượng và tải trọng tăng liên tục, nhưng chưa có vốn và các nguồn lực để đầu tư cải tạo nâng cấp.
Cùng với đó, có nhiều trường hợp cơ quan quản lý đường bộ tại địa bàn, nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên, nhà thầu sửa chữa định kỳ, đột xuất, chủ đầu tư các dự án và các tổ chức, cá nhân liên quan chưa làm tròn trách nhiệm. Dẫn đến một số đoạn đường bộ và các bộ phận hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp gây khó khăn và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị nêu trên chỉ đạo nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên thực hiện đầy đủ công tác tuần đường, kịp thời phát hiện hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn giao thông và báo cáo, đề xuất xử lý theo quy định.
“Nhà thầu quản lý tuyến đường phải tăng cường sửa chữa, dặm vá mặt đường hư hỏng; sửa chữa, khơi thông cống, rãnh thoát nước; cắt cỏ, xén cây, tỉa cắt cành trong phạm vi đất của đường bộ, phạm vi hành lang an toàn đường bộ cản trở tầm nhìn; sơn lại các đoạn bị mờ; lau sạch biển báo hiệu đường bộ, cọc tiêu, cột thủy trí. Trong quá trình sửa chữa phải tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn giao thông theo quy định”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo…