Hiện không khí chuẩn bị nguồn hàng cung ứng thị trường Tết Giáp Thìn 2024 tại các cơ sở này luôn tất bật, nhất là tại các địa phương có thương hiệu khô nổi tiếng như tôm khô Hà Tiên; cá khô, tôm khô Kiên Lương; khô cá sặc rằn và tôm xẻ một nắng U Minh Thượng.
Nhộn nhịp mùa hàng khô Tết
Khoảng 2 tuần qua, không khí làm tôm càng xanh một nắng ở hộ ông Nguyễn Minh Thuấn, xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng luôn nhộn nhịp với hàng chục người làm các công đoạn như xẻ, ướp, phơi tôm. Theo ông Thuấn, qua 5 năm làm tôm càng xanh một nắng bán dịp Tết Nguyên đán, số lượng đơn đặt hàng những năm sau luôn cao hơn năm trước. Dự tính dịp Tết này, hộ ông làm bán khoảng 1 tấn tôm xẻ phơi một nắng; trong đó chủ yếu là tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ thiên nhiên.
Ông Thuấn cho biết, hiện tại đang mua tôm càng xanh tươi sống với giá 100.000 đồng/kg và khoảng 9-10kg tôm tươi mới làm ra được 1kg tôm càng xanh một nắng. Vì vậy, giá bán tôm càng xanh một nắng là 1 triệu đồng/kg.
“Khách mua chủ yếu là khách mối và họ đặt để làm quà tặng trong dịp Tết. Đơn đặt hàng thường từ 10kg đến 50kg. Để giữ độ ngon, ngọt và mềm thơm của tôm càng xanh một nắng, ông Thuấn chỉ chọn mua tôm càng còn sống. Sau đó sẽ lột vỏ, làm sạch để ráo nước mới tẩm ướp gia vị và đem đi phơi nắng”, ông Thuấn chia sẻ thêm.
Là một trong những hộ nổi tiếng với nghề làm khô cá sặc rằn ở huyện U Minh Thượng, gia đình ông Nguyễn Đức Quốc, ở ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên cũng tất bật làm cá khô. Để đảm bảo nguyên liệu làm khô, ngay từ tháng 6, tháng 7, ông Quốc đã đến xem và tuyển chọn, đặt cọc cá đạt chất lượng trong các hộ dân. Theo ông Quốc, gia đình ông cũng như những hộ chuyên làm khô cá sặc rằn ở U Minh Thượng chỉ làm khô cá sặc rằn theo đơn đặt hàng của các chủ vựa. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, hộ ông cung ứng cho thị trường khoảng 1 tấn cá khô các loại, chủ yếu là khô cá sặc rằn, cá lóc đồng.
“Tùy theo địa điểm bán hàng ở gần hay xa mà khô cá sặc rằn có thể phơi một nắng rưỡi, hoặc 2 nắng để đảm bảo bảo quản được lâu. Giá khô cá sặc rằn khoảng 320.000 - 450.000 đồng/kg, tùy loại. Khô cá sặc rằn của huyện U Minh Thượng tuy có giá cao hơn so với khô cùng loại ở các địa phương khác, nhưng nhờ có mùi vị đặc trưng riêng nên sản phẩm được nhiều khách mối, các chủ vựa trong và ngoài tỉnh đặt mua và luôn hút hàng với mức giá khá ổn định”, ông Quốc chia sẻ thêm.
Cơ sở sản xuất tôm khô của bà Nguyễn Thị Ánh ở phường Tô Châu, thành phố Hà Tiên nổi tiếng hơn 50 năm qua với thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh... Từ tháng 12 đến nay, cơ sở duy trì hơn 20 nhân công để thu mua tôm nguyên liệu và luộc tôm, phơi tôm, đóng gói sản phẩm. Trung bình mỗi dịp Tết Nguyên đán, cơ sở của bà bán ra thị trường hơn 10 tấn tôm khô.
“Muốn tôm khô được thơm ngon thì lúc luộc tôm nêm muối cho vừa ăn. Đồng thời, khi luộc xong phơi ngay, phơi mỏng để đảm bảo tôm được khô không bị ẩm, tránh hư hỏng và sau đó đập sạch vỏ tôm. Tôm khô của cơ sở được làm thủ công, không dùng chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để góp phần gìn giữ thương hiệu khô của gia đình cũng như của thành phố Hà Tiên”, bà Ánh chia sẻ.
Theo một số cơ sở sản xuất cá khô, tôm khô ở Kiên Giang, giá hầu hết các mặt hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn đều tăng nhẹ so với các năm trước. Mức giá tăng khoảng 5 - 8%, tùy theo mặt hàng. Nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu như tôm biển, cá biển, cá đồng khai thác, đánh bắt được khan hiếm hơn so với những năm trước nên giá cũng tăng lên.
Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu khô Kiên Giang
Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, tỉnh có hơn 400 cơ sở làm cá khô, tôm khô và chế biến sản phẩm phẩm khô với hơn 2.200 lao động làm việc thường xuyên. Nghề làm cá khô, tôm khô là nét văn hóa của cư dân miền biển của tỉnh và sản lượng cung ứng cho thị trường hơn 1.700 tấn mỗi năm.
Để giúp cho nghề sản xuất, chế biến cá khô, tôm khô phát triển bền vững, xứng với tiềm năng hiện có, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã công nhận một số làng nghề truyền thống làm tôm khô, cá khô ở các địa phương như: thành phố Hà Tiên, huyện An Minh, huyện Kiên Hải, Kiên Lương… Tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các cơ sở kinh doanh, người dân làng nghề tuân thủ các quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu đạt sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận cho người dân.
Tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở, hộ dân tận dụng tối đa thế mạnh nghề truyền thống, nguồn lao động kết hợp với công nghệ sản xuất tiên tiến để đầu tư sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, tiêu thụ tốt. Hỗ trợ các cơ sở, người dân một số máy móc để sản xuất như máy sấy, tủ đông, máy hút chân không; đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đồng bộ các khâu sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm khi đủ điều kiện.
Ngành công thương tỉnh cũng đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối với các nhà phân phối, siêu thị, trung tâm thương mại và chuỗi cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng đó, chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, ưu tiên các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử.