Nhiều ngư dân cho rằng, do còn nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp nhất là về chọn mẫu tàu và vốn vay, nên các chủ tàu rất khó đáp ứng các quy định theo NĐ 67. Nhiều ngư dân đã đánh liều vay tiền bên ngoài với lãi suất cao để đóng tàu mới.Khó đáp ứng điều kiện Ông Hoàng Văn Bình xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là một trong những người đầu tiên đăng ký đóng tàu mới theo NĐ 67. Sau khi nghiên cứu kỹ chủ trương, chính sách, ông Bình đăng ký đóng mới tàu vỏ thép. Tuy nhiên, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố 21 mẫu tàu sắt thì ông Bình cũng như ngư dân tại một số địa phương không muốn đóng theo mẫu tàu này vì không phù hợp với ngư trường đánh bắt.
Ngư dân mong muốn được hỗ trợ đầu tư tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển. Ảnh: Việt Hoàng |
Ông Hoàng Văn Bình cùng 3 chủ tàu trong xã tham gia dự án vay vốn đóng tàu bàn bạc để góp tiền thuê thiết kế mẫu mới. Qua nhiều lần điều chỉnh, mẫu thiết kế chung cho con tàu công suất 829 mã lực của ông Bình đã hoàn thành. Tuy nhiên, sau đó, mẫu tàu này còn phải được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng Cục thủy sản - Bộ NN&PTNT phê duyệt thì mới được duyệt thủ tục vay vốn tiếp theo. Như vậy, ông Bình và 3 chủ tàu sắt đã phải bỏ ra thêm 172 triệu đồng để điều chỉnh thiết kế tàu.
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An cho biết, Bộ NN&PTNT khi tiến hành thiết kế 21 mẫu tàu sắt đã lấy ý kiến góp ý của các tỉnh nhưng các mẫu tàu này vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Theo ý kiến của các chủ tàu, do phần đuôi tàu hẹp, ca bin quá cao nên nếu ra khơi gặp gió sẽ lắc mạnh sẽ không đảm bảo an toàn; phần boong tàu, mạn tàu phải trải thêm gỗ mỏng để chống nắng nóng… “Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chủ tàu bỏ tiền để thuê thiết kế lại mẫu tàu sắt mới, để giảm phần nào gánh nặng cho chúng tôi”, ông Bình nói.
Để được phê duyệt về thiết kế mẫu tàu sắt, nhiều ngư dân phải mất rất nhiều chi phí cũng như công sức. Tuy nhiên, sau khi qua được cửa ải thiết kế mẫu tàu thì ngư dân lại bị hành bởi rào cản thủ tục ngân hàng.
Ông Hoàng Văn Bình cho biết: Sau khi hoàn thành mẫu tàu và được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì chi nhánh Ngân hàng Công Thương tại Quỳnh Lưu lại trả lời là không muốn cấp tín dụng cho làm tàu vỏ sắt do ở địa phương này, mô hình đóng tàu vỏ sắt chưa phổ biến nên ngân hàng không rõ hiệu quả đến đâu.
Theo ông Cao Văn Hợi, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An: “Việc các ngân hàng thương mại thận trọng ký hợp đồng tín dụng tàu vỏ sắt là sai với tinh thần của NĐ 67. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện đúng sự chỉ đạo của NHNN, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn”. Tuy nhiên, sự không thống nhất về quy định, thủ tục ngân hàng kéo dài… thực sự khiến nhiều ngư dân nản lòng.
Tương tự, ngư dân trong danh sách được phê duyệt tham gia NĐ 67 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bị kẹt về thủ tục vay vốn. Tiếp xúc với chúng tôi, các ngư dân ở thị trấn Sông Đốc, tỉnh Cà Mau cho biết, họ rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay bởi còn nợ ngân hàng chưa trả được, nên không thể vay tiếp. Thêm nữa, vốn đối ứng để đóng mới tàu gỗ 30% giá trị hợp đồng, nhiều người không thể xoay nổi. Ngoài ra, điều kiện để được đưa vào danh sách xét duyệt rườm rà, mất nhiều thời gian…
Vay ngoài lãi suất caoSau thời gian dài chờ đợi mà vẫn không được tiếp cận vốn, nhiều ngư dân đã rút hồ sơ, tự vay tiền lãi suất cao để đóng tàu mới.
Ông Nguyễn Văn Tặng ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) tham gia đóng tàu theo NĐ 67 hơn 1 năm, do thủ tục xét duyệt và tiếp cận ngân hàng khó khăn, cộng thêm thời gian chờ đợi, nên ông đã rút hồ sơ và tự thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng đóng mới một con tàu cá trị giá gần 5 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Tặng, để tự đóng tàu, ngư dân thường phải vay vốn với lãi suất cao hơn so với vốn vay theo NĐ 67 nhưng bù lại chủ tàu được tự quyết định đóng mẫu nào, mua máy cũ hay mới, ngư lưới cụ ra sao… Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), có 33 chủ tàu được tỉnh phê duyệt đóng theo NĐ 67, nhưng hiện nay có tới hơn 10 trường hợp tự vay lãi suất cao để đóng tàu.
Tại tỉnh Nghệ An, có 874 hồ sơ đăng ký đóng tàu mới theo NĐ 67, nhưng chỉ phê duyệt 79 tàu có đủ điều kiện vay vốn. Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, năm 2015 phấn đấu giải ngân vốn cho khoảng 50 tàu, tuy nhiên đến thời điểm này mới có 15 tàu ký được hợp đồng tín dụng.
Ngay tại các tỉnh có thế mạnh về đánh bắt xa bờ như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… việc triển khai giải ngân đóng mới tàu theo NĐ 67 cũng gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Theo Sở NN&PTNT các tỉnh, tính đến cuối tháng 9 tại Cà Mau mới có 7 hợp đồng tín dụng được ký với tổng số tiền hơn 85 tỷ đồng; Bạc Liêu phê duyệt 15 trường hợp, nhưng mới có một trường hợp được giải ngân đóng tàu vỏ gỗ; Sóc Trăng có 4 trường hợp được vay đóng mới, trong tổng số 19 chiếc được tỉnh phê duyệt.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo NĐ 67 Trung ương, tiến độ triển khai nghị định tại các địa phương là quá chậm là do vướng quá nhiều quy định khắt khe như: đóng theo mẫu tàu Nhà nước thiết kế, mua máy mới, tiền đối ứng quá cao… ngân hàng thương mại dè dặt tiếp nhận hồ sơ và đòi ngư dân phải thế chấp thêm tài sản, nên tiến độ rất chậm. Rào cản thủ tục đã khiến nhiều chủ tàu đã rút khỏi NĐ 67, tự vay tiền lãi suất cao đóng tàu. Đây là thực tế đang diễn ra tại nhiều địa phương.
Ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu khẳng định: “Những khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng và thủ tục đóng mới tàu không dược tháo gỡ thì nhiều chủ tàu sẽ quay sang phương án vay tiền lãi suất cao để đóng tàu mới. Do đó, Ban Chỉ đạo NĐ 67 Trung ương cần sớm tháo gỡ vướng mắc để ngư dân không xa rời nghị định này”.
Bài cuối: Gỡ khó cho tàu cá vươn khơi