Khu vực Tây Nguyên không nằm ngoài quy luật đó và từng chịu nhiều thiệt hại do hạn hán, lũ lụt gây ra. Điều quan trọng là cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thích ứng với biến đổi khí hậu, “sống chung” với hạn hán nhằm giảm nhẹ thiệt hại thay vì “gồng mình” chống chọi mỗi khi có hạn hán xảy ra.
Sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Mặc dù tình hình hạn hán tại Kon Tum nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung đang có những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của ngành nông nghiệp, cùng sự đồng tình, ủng hộ của bà con nhân dân trong việc thay đổi thời vụ xuống giống, đến nay, tỉnh Kon Tum không chịu thiệt hại diện tích lúa nước nào trong thời gian cao điểm của mùa khô.
Cánh đồng lúa 40 ha thuộc thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum trong nhiều năm nay chỉ canh tác được vụ mùa (vụ canh tác vào mùa mưa). Vụ Đông Xuân, bà con nông dân buộc phải để cỏ mọc hoang, vì nằm cách xa nguồn nước nên không thể canh tác. Tuy nhiên, hai năm nay, người dân tại đây đã có thể canh tác được hai vụ, do hệ thống thủy lợi đã được cải thiện, dẫn nước từ sông Đăk Bla lên phục vụ cho nông nghiệp, đồng thời thay đổi lịch canh tác nên đã giảm nhẹ được ảnh hưởng của hạn hán đến mùa vụ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Thôn trưởng thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum cho biết, sau khi nhận được thông tin về tình hình hạn hán có thể xảy ra trong mùa khô 2023 – 2024, cùng với khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ông Phong đã tổ chức họp thôn, thông báo cho bà con. Với sự đồng lòng, nhất trí cao, bà con trong thôn đã cùng nhau thực hiện gieo sạ lúa sớm. Nhờ đó, đến nay lúa đã chuẩn bị cho thu hoạch, ngay đỉnh điểm của hạn hán.
Ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, vụ Đông – Xuân 2023 – 2024, toàn tỉnh gieo trồng trên 7.200 ha lúa. Xác định tình hình thời tiết có nhiều biến đổi, khả năng xảy ra khô hạn cao, ngay từ tháng 10/2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã ban hành Hướng dẫn bố trí cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân 2023 – 2024; trong đó khuyến cáo xuống giống lúa sớm hơn từ 15 – 20 ngày so với các năm trước.
Cùng với cải thiện hệ thống thủy lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum cũng đã chủ động ban hành văn bản khuyến cáo bà con nông dân gieo sạ sớm hơn khoảng nửa tháng trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024 so với những năm trước. Điều này mang đến hiệu quả lớn trong việc phòng, chống hạn hán, khi bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ thiếu nước, đa số diện tích lúa đã bước vào giai đoạn chín sáp; thậm chí một số diện tích đã có thể cho thu hoạch. Vì vậy, việc thiếu nước trong giai đoạn này sẽ không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của lúa.
Theo các cơ quan chuyên môn, bên cạnh làm tốt việc dự báo, thay đổi lịch sản xuất mùa vụ để thích ứng với biến đổi khí hậu, người sản xuất cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để sử dụng nguồn nước hiệu quả, từ đó đạt hiệu quả kinh tế và giảm tác động của hạn hán đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu… hay cây ăn trái ở khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, hiện nay hệ thống tưới tiết kiệm còn được tích hợp để bón phân, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm vườn cây từ đó tính toán lượng nước tưới phù hợp theo từng giai đoạn… sẽ hỗ trợ tích cực cho người nông dân trong bối cảnh hạn hán xảy ra ngày càng thường xuyên và khốc liệt hơn.
Ông Trương Văn Quân, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk cho biết, gia đình có gần 100 cây sầu riêng, trước đây phải kéo ống tưới từng gốc cây sầu riêng rất mất công và tốn nước tưới. Từ năm 2020, gia đình đầu tư hệ thống tưới tự động tại gốc cây, hệ thống này không chỉ giúp tiết kiệm công sức, tăng hiệu quả canh tác mà còn giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, nhất là trong những năm gần đây tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô ngày càng phức tạp nên việc ứng dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm sẽ giúp người nông dân chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đảm bảo an ninh nguồn nước
Để Tây Nguyên có thể “sống chung” với hạn hán về lâu dài và tất yếu phải đảm bảo an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước từ hệ thống thủy lợi để giữ nước chủ động và điều tiết nước hợp lý trong mỗi mùa khô hạn.
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích đất canh tác nông nghiệp khoảng 655.000 ha (lớn nhất cả nước). Trong khi đó, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh mới đáp ứng được 23% (152.000 ha) diện tích canh tác đất nông nghiệp được tưới trực tiếp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, để ứng phó với hạn hán trước mắt đã triển khai các giải pháp phi công trình như tăng cường quản lý, điều tiết, bảo vệ nguồn nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước... Tuy nhiên, về lâu dài vẫn phải triển khai các giải pháp công trình để đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu như nâng cao ngưỡng tràn để tăng dung tích trữ đối với các hồ chứa. Mặt khác, triển khai nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, đảm bảo dẫn nước hiệu quả; đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi; đẩy nhanh các tiến độ dự án xây dựng các công trình thủy lợi lớn trọng điểm đồng thời nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi, xuống cấp nhằm đáp ứng đủ nguồn nước vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Nông có 307 công trình thủy lợi; trong đó có 255 hồ chứa, 32 đập dâng, còn lại là hệ thống kênh tiêu, trạm bơm (ven sông Krông Nô)… Tổng dung tích thiết kế cho 255 hồ chứa khoảng 172 triệu m3 nước; đến nay, tổng dung tích nước tại các hồ, đập gần 72 triệu m3 nước, ước đạt gần 42% so với dung tích thiết kế. Hiện, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mới đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 27% diện tích sản xuất nông nghiệp.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông cho biết vừa có báo cáo gửi Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2024 và một số nội dung liên quan đến thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; trong đó, đề nghị Cục Thủy lợi tổng hợp, báo cáo các bộ, ngành liên quan xem xét, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng mới 10 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí gần 470 tỷ đồng.
Các công trình trên tập trung tại 3 huyện phía Bắc tỉnh Đắk Nông là Krông Nô, Cư Jút và Đắk Mil. Đây là 3 huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới cho các loại cây trồng nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung. Các công trình được đề xuất đều phù hợp với quy hoạch thủy lợi thuộc quy hoạch tỉnh Đắk Nông vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (vào cuối năm 2023). Dù vốn đầu tư không lớn (công trình lớn nhất 107 tỷ đồng, nhỏ nhất 17 tỷ đồng), các công trình này dự kiến sẽ đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho gần 3.400 ha cây trồng tại các khu vực lân cận.
Để góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước trong bối cảnh khô hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các địa phương, sở ngành liên quan để đầu tư xây dựng hồ chứa nước Tôn Klong, huyện Đạ Tẻh; hồ thôn 3 xã Gia Hiệp, hồ Tam Bố huyện Di Linh là các vùng chưa có công trình thuỷ lợi, thường xuyên bị hán hán thiếu nước và có trong Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.
Rõ ràng, những giải pháp tổng thể để Tây Nguyên “sống chung” với hạn hán rất cần sự vào cuộc quyết liệt, cách làm khoa học, dài hơi của chính quyền các địa phương lẫn các bộ, ngành liên quan. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sinh kế của nông dân Tây Nguyên ở hiện tại mà còn góp phần quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên trong tương lai.