Buổi lễ có sự tham gia của UBND tỉnh An Giang, UBND tỉnh Đồng Tháp, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ, đại diện các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ cho chương trình.
Tại buổi lễ, hơn 11,2 tấn cá các loại với số lượng hơn 1 triệu con đã được thả xuống sông Hậu. Các loại cá được thả là những loài có giá trị kinh tế cao như: hô, tra, vồ cờ, chạch lấu, lươn, mè hương, bông lau, mè vinh, tôm càng xanh… với tổng kinh phí hơn 660 triệu đồng từ nguồn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ.
Ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nhằm bổ sung, tái tạo lại nguồn lợi thủy sản nói chung và các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nói riêng, Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, UBND, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long thực hiện hoạt động "Tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản tại một số lưu vực sông và vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long".
Để phối hợp quản lý, bảo vệ đàn cá sau thả góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới tổ chức, cá nhân, tăng ni, phật tử và người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát, vận động người dân không sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về danh mục các loài thủy sản khuyến khích thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản phù hợp với từng thủy vực trên địa bàn tỉnh; danh mục các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại; hướng dẫn kỹ thuật thả phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, lễ thả cá là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhất là cộng đồng ngư dân trong việc bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Các địa phương kỳ vọng, lễ thả cá sẽ trở thành nét văn hóa của ba tỉnh, thành phố An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, tạo thêm hiệu ứng có sức lan tỏa toàn xã hội, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội. Qua đó, thúc đẩy hoạt động thả cá trở thành phong trào toàn dân tham gia phục hồi, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về tình yêu thiên nhiên, về ý thức trách nhiệm đối với môi trường, môi sinh đặc biệt là việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật Thủy sản. Cụ thể, khuyến cáo không khai thác thủy sản bằng phương tiện mang tính chất hủy diệt như: xung điện, chất độc, chất nổ, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.
Theo khảo sát của Trường Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long có 322 loài cá; trong đó, địa bàn Cần Thơ có 120 loài cá và 8 loài tôm. Đây là nguồn lợi thủy sản tự nhiên vô cùng phong phú và đa dạng sinh học có tiềm năng rất lớn để khai thác phục vụ nuôi trồng thủy sản. Riêng cá tra, năm 2022 với diện tích 5.700 ha đã cho sản lượng 1,5 triệu tấn cá thương phẩm, xuất khẩu đến hơn 140 thị trường với kim ngạch hơn 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, một số loài cá khác cũng đang được khai thác huấn luyện phục vụ du lịch như cá lóc, cá chép, cá mang rổ... thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.