Thái Lan mất ngôi vô địch xuất khẩu gạo

Theo số liệu của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, trong năm 2012, nước này chỉ xuất khẩu được 6,9 triệu tấn gạo. Trong khi đó, hai đối thủ chính của Thái Lan trong lĩnh vực này là Ấn Độ và Việt Nam lại bán ra được lần lượt là 9,5 triệu tấn và 7,8 triệu tấn.


Trong bảng xếp hạng, Ấn Độ nắm giữ vị trí thứ nhất, Việt Nam đứng thứ hai, còn Thái Lan bị tụt xuống hạng ba. So sánh với thống kê năm 2011, khi Thái Lan còn bán ra được hơn 10 triệu tấn gạo, thì mức xuất khẩu của Thái Lan đã bị giảm khoảng 35%.


Bốc xếp gạo xuất khẩu tại một cảng biển của Thái Lan.
Ảnh: Internet


Trả lời hãng AFP, ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan than thở: “Chúng tôi luôn giữ chức vô địch (về xuất khẩu gạo) kể từ năm 1980, tức là 31 năm, nhưng giờ đây chúng tôi đã mất vị trí số một đó”.


Theo ông Chookiat Ophaswongse, nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm chính là vì giá gạo Thái Lan cao hơn giá gạo của các nước khác. Ông nói: “Hiện nay, gạo Thái Lan được bán với giá từ 130-150 USD/tấn, đắt hơn so với giá của các đối thủ cạnh tranh của chúng tôi. Theo tôi, tình hình này kéo dài thì các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan sẽ phải giải nghệ”.


Việc gạo Thái Lan tăng giá và mất tính cạnh tranh trên thị trường thế giới là hệ quả của một chính sách giá trợ cấp cho nông dân đã được nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra áp dụng sau khi lên cầm quyền, bất chấp quan điểm dè dặt của giới xuất khẩu gạo.


Trong khi các nhà hoạch định chính sách đánh giá chương trình trợ giá gạo của chính phủ như công cụ giúp người nông dân tăng thu nhập, thì các chuyên gia kinh tế lại nhìn nhận rằng chương trình này sẽ đẩy tương lai của ngành công nghiệp sản xuất lúa gạo Thái Lan vào vòng nguy hiểm.


Theo số liệu do Bộ Thương mại Thái Lan công bố gần đây, chính phủ nước này đã bán 7,33 triệu tấn gạo thông qua các hợp đồng liên chính phủ (G2G), nhưng còn khoảng 12 triệu tấn nữa sẽ được lưu giữ sau mùa thu hoạch năm nay.


Nguyên nhân về sự đi xuống của ngành công nghiệp lúa gạo Thái Lan là do các chính sách chi tiền thu mua thóc gạo của nông dân trong nước cao hơn giá trị gạo của họ trên thị trường thế giới. Người nông dân được tiền trong khi chủ nhà máy xay xát lại bị thiệt bởi gạo sau đó thường bị bán với giá lỗ vốn. Thay cho việc lập ra các quỹ phục vụ nghiên cứu phát triển để giúp người nông dân giữ sản lượng, tăng chất lượng và giảm giá thành, chính phủ lại dùng tiền thuế để làm giá gạo tăng lên.


Trong khi các nước châu Á chú trọng việc gia tăng thêm các loại gạo, chính phủ Thái Lan hiện nay lại muốn chi mạnh tay để định giá bán cao. Trong năm đầu tiên của chương trình trợ giá gạo, chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã chi 332 tỷ bạt (khoảng 11 tỷ USD) để thu mua 21 triệu tấn thóc gạo của người nông dân. Người nông dân được trả 15.000 bạt/tấn thóc gạo trắng và 20.000 bạt/tấn thóc gạo hương nhài, tăng 40% so với trước đó. Một tấn lúa sau khi xay xát sẽ cho ra 660 kg gạo, vào khoảng 22.727 bạt/tấn gạo trắng và 30.303 bạt/tấn gạo hương nhài. Giá gạo trắng xuất khẩu trong tháng 11/2012 của Thái Lan vào khoảng 580 USD-598 USD/tấn và gạo hương nhài vào khoảng 1.127 USD/tấn.


Với các mức giá trên, gạo Thái Lan khó có thể cạnh tranh được với gạo Việt Nam và gạo Ấn Độ, dẫn đến xuất khẩu sụt giảm. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Thái Lan cho rằng nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm. Theo bộ này, chương trình trợ giá gạo là một sứ mệnh giúp tăng thu nhập cho người nông dân Thái Lan, ước tính khoảng 15-18 triệu người (tương đương 3,7 triệu hộ gia đình).


Trong các cuộc thăm dò gần đây, hầu hết nông dân Thái Lan đều ủng hộ chương trình trợ giá gạo. Dự kiến chính phủ sẽ phải chi khoảng 405 tỷ bạt để thu mua khoảng 37 triệu tấn lúa gạo sẽ được sản xuất ra trong năm nay. Tuy nhiên, những lỗ hổng trong chương trình này cần phải được san lấp. Tính hiệu quả trong quản lý chương trình cần phải được cải thiện và điều quan trọng là phải làm thế nào để nhanh chóng bán được lượng gạo đó ra thị trường. Trong năm đầu tiên, số lượng gạo tồn kho vào khoảng 14 triệu tấn và Bộ Thương mại chưa thực hiện nhiều cách để đảm bảo rằng họ có thể xử lý được vấn đề bán hàng.


Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom vẫn chưa cung cấp chi tiết về các hợp đồng gạo G2G mà ông nói là đã bán được 7,33 triệu tấn cho Inđônêxia, Philíppin, Trung Quốc và Bờ Biển Ngà. Việc đặt mục tiêu xuất 7 triệu tấn gạo trong năm nay và cam kết mang về cho công quỹ nhà nước 275 tỷ bạt vào cuối năm 2013 khiến cho nhiều người tỏ ra hoài nghi, khi tốc độ xuất khẩu chậm lại và tình trạng quản lý kho bãi yếu kém hiện nay.


Để ủng hộ quyết tâm thực hiện chương trình trợ giá gạo, Ủy ban chính sách gạo quốc gia Thái Lan vừa công bố tài liệu nghiên cứu nhằm giải thích cho người dân hiểu rõ những lợi ích mà người nông dân thu được. Theo tài liệu này, chương trình trên đã giúp tăng thu nhập của người nông dân lên 184 tỷ bạt. Thậm chí những người không tham gia cũng được hưởng lợi từ việc giá gạo trên thị trường tăng lên. Chương trình đã góp phần giảm nghèo cho 3,7 triệu hộ gia đình làm nông nghiệp, với thu nhập trung bình mỗi hộ 4 người vào khoảng 24.795 bạt.


Tuy nhiên, những người chỉ trích chương trình trợ giá lại cho rằng chính phủ nên sử dụng ngân sách một cách hợp lý. Khoản ngân sách 405 tỷ bạt đủ để mua 690.000 tấn hạt giống chất lượng, giúp người nông dân canh tác trên hơn 11 triệu hécta trong 25 năm. Số tiền này cũng đủ để mua phân bón cho tất cả nông dân trên cả nước trong 7 mùa liên tiếp.


Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng chương trình trợ giá gạo sẽ tác động tới sản lượng về lâu dài bởi người nông dân chỉ được khuyến khích trồng thêm nhiều để tăng sản lượng theo kế hoạch của chương trình đã cam kết với nhà nước.



Hà Linh (P/v TTXVN tại Thái Lan)TTK

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN