Với lợi thế đều là thành viên CPTPP, Mexico đã cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Nhờ đó, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, cà phê, cao su, điện thoại và linh kiện, phụ tùng ô tô vào Mexico thời gian gần đây đạt mức tăng trưởng khá cao từ 27-65%. Ngược lại, Mexico cũng từng bước đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, nông sản, đồ uống vào Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về gian lận và nguy cơ lừa đảo, các doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ thông tin và kỹ năng cần thiết để có thể tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh cũng như tận dụng được những cơ hội mà CPTTP mang lại. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Mexico City liên quan đến vấn đề trên, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico kiêm nhiệm Panama Lưu Vạn Khang cho biết trong thời gian qua, do không tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, một số doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nạn nhân của các vụ tranh chấp, lừa đảo khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại khu vực Mỹ Latinh.
Có nhiều công ty Việt Nam đã bị mất trắng tiền đặt cọc hoặc mất hàng trong khi thực hiện các giao dịch kinh doanh. Theo đó, lợi dụng tính đặc thù của ngôn ngữ Tây Ban Nha, một số đối tượng đã lập ra những tên gần giống với những tập đoàn nổi tiếng trên thế giới, thậm chí chỉ thay đổi một chữ cái. Một số đối tượng khác sử dụng phương thức khai báo địa chỉ công ty không rõ ràng, gây khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin.
Theo ông Lưu Vạn Khang, các doanh nghiệp lừa đảo này có một điểm chung, đó là phần lớn sử dụng các tài khoản giao dịch ngân hàng tại một nước thứ 3 mà không phải tại quốc gia sở tại, nhằm gây khó khăn cho việc truy vết cũng như công tác điều tra của các cơ quan chức năng. Tham tán Thương mại Lưu Vạn Khang đưa ra ví dụ cụ thể về vụ tranh chấp xảy ra trong thời gian qua giữa một doanh nghiệp Việt Nam khi mua thịt lợn từ đối tác Mexico. Sau khi ký hợp đồng và thực hiện việc đặt cọc, bên bán gửi vận đơn đường biển (B/L) và yêu cầu bên mua thanh toán nốt số tiền còn lại cho một tài khoản tại Mỹ.
Tuy nhiên, khi thực hiện việc tra cứu hành trình vận chuyển, phía Việt Nam phát hiện chuyến tàu chở lô hàng trong hợp đồng đã chuyển hướng sang một quốc gia tại Trung Đông thay vì Việt Nam. Phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, doanh nghiệp Việt Nam đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại Mexico kiêm nhiệm Panama can thiệp, làm rõ sự việc. Kết quả làm việc với Hội đồng doanh nghiệp quốc gia Mexico cho thấy công ty Mexico (bên bán hàng) có tên gần giống với một tập đoàn kinh doanh thực phẩm nổi tiếng của Mỹ, do đó đã gây nhầm lẫn cho doanh nghiệp Việt Nam (bên mua hàng) khi nghĩ rằng họ đang giao dịch với chi nhánh của công ty Mỹ tại Mexico.
Thương vụ Việt Nam tại Mexico kiêm nhiệm Panama khuyến cáo doanh nghiệp cần tìm kiếm thông tin khách hàng, không ký hợp đồng với người không phải là đại diện pháp lý của công ty đã được công chứng. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong việc thanh toán, doanh nghiệp Việt Nam cần ký hợp đồng thanh toán bằng hình thức thư tín dụng có sự bảo lãnh của ngân hàng (L/C), thay vì hình thức điện chuyển tiền (T/T). Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng hình thức T/T, tuyệt đối không chuyển tiền đến tài khoản tại một nước thứ 3 cũng như đến tài khoản đứng tên cá nhân.
Bên cạnh việc phối hợp với Thương vụ trong công tác xác minh thông tin đối tác, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động cộng tác với các công ty luật và các hiệp hội doanh nghiệp sở tại nhằm đa dạng hóa nguồn thông tin cũng như tăng cường kiến thức về các quy định pháp luật tại Mexico nói riêng và các nước Mỹ Latinh nói chung.