Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 4,63 tỷ USD, giảm 11%. So với mức giảm trên 21% trong 5 tháng, thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đang có tín hiệu hiệu cải thiện tốt.
Hiện 5 mặt hàng có thặng dư thương mại cao nhất gồm: gỗ và sản phẩm gỗ (thặng dư 4,95 tỷ USD, giảm 27,9%); cà phê (thặng dư 2,33 tỷ USD, tăng 2,1%); hàng rau quả (thặng dư 1,85 tỷ USD, tăng 2,3 lần); gạo (thặng dư 1,84 tỷ USD, tăng 36,3%); tôm (thặng dư 1,28 tỷ USD, giảm 36,6%).
Những bên cạnh đó, ngành có 5 mặt hàng có thâm hụt thương mại cao nhất gồm: thức ăn gia súc và nguyên liệu (thâm hụt 1,97 tỷ USD, giảm 4,6%); chế phẩm từ sản phẩm trồng trọt (thâm hụt 1,45 tỷ USD, tăng 14,2%); bông các loại (thâm hụt 1,43 tỷ USD, giảm 21,3%); ngô (thâm hụt 1,21 tỷ USD, giảm 23,7%); lúa mì (thâm hụt 993 triệu USD, tăng 19,9%).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nửa đầu năm, nhóm nông sản chính xuất khẩu đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản và lâm sản chính vẫn chứng kiến sự sụt giảm sâu với mức lần lượt đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% và 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%.
Đến nay, ngành nông nghiệp mới có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Riêng gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, còn cà phê tuy giảm về khối lượng (giảm 2,2%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.
Về thị trường xuất khẩu: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Riêng chỉ có giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc có sự tăng trưởng dương (tăng 7,7%); còn xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Nhật Bản đều giảm với mức lần lượt là giảm 32,9% và giảm 5,3%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các đơn vị chức năng nỗ lực đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Hoa Kỳ. Đơn vị chức năng đã thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng xoài và thanh long quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản từ 01/8/2023; trao đổi với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối); tổ chức họp trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức tiếp đón và làm việc với đoàn thanh tra của EU đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam…
Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu...; mở cửa các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi... với phương châm là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.
Cùng với chủ động, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTAs), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương. Đồng thời hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Với nhiều loại nông sản sẽ vào chính vụ tiêu thụ, nhất là trái cây như: mít, chuối, nhãn… ngành đẩy mạnh dự báo và phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản chính vụ; phối hợp tổ chức kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, tổ chức các diễn đàn hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất gắn với xuất khẩu; đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử…