Thế nhưng, do đầu ra sản phẩm sữa bấp bênh, giá thường bị ép bán với giá rẻ nên ông đã mày mò, tìm hướng đi mới cho sản phẩm làm từ sữa bò và đến nay đã có chỗ đứng khá ổn định trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn nhiệm, ông bắt đầu nghề trồng cỏ nuôi bò lấy sữa từ năm 2003 nhưng cũng chỉ được vài năm đầu thị trường tiêu thụ và giá cả ổn định, càng về sau đầu ra của sản phẩm sữa bò của gia đình ông và hơn 10 hộ nuôi bò trên địa bàn xã Châu Pha ngày càng gặp nhiều khó khăn, công ty thu mua ép giá, mua với giá khá thấp khiến bà con nuôi bò rất bức xúc.
Nhiều hộ chăn nuôi đã có ý định bán bò bỏ nuôi đi làm nghề khác. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Nhiệm đã rất trăn trở, ông mong muốn gia đình mình và bà con nuôi bò lấy sữa tại địa phương có thu nhập ổn định từ nghề đã gắn bó nhiều năm này.
Nghĩ là làm, ông đi khăp các vùng chăn nuôi bò sữa lớn của cả nước như: Cần Thơ, Củ Chi hay ra cả ngoài các vùng chăn nuôi bò sữa lớn ngoài miền Trung, miền Bắc để học hỏi thêm kinh nghiệm làm ra các sản phẩm từ sữa bò.
Sau thời gian tìm hiểu, học hỏi năm 2017, ông đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại như máy nấu, máy ủ, máy làm lạnh, kho chứa, bồn chứa… để thử nghiệm làm sữa chua và sữa thanh trùng từ sản phẩm sữa bò của gia đình. Vừa làm vừa học hỏi, vừa thử nghiệm thị hiếu của bà con xung quanh để tìm tòi ra công thức chuẩn cho ra sản phẩm ngon và được thị trường đón nhận.
Sau thời gian làm với nhiều lần thất bại, cuối cùng ông Nhiệm và gia đình đã thành công và cho ra thị trường các sản phẩm sữa chua dẻo, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trân châu và sữa bò thanh trùng mang thương hiệu sữa chua ông Nhiệm, sữa thanh trùng ông Nhiệm.
Hiện, gia đình ông Nhiệm đang nuôi đàn bò với 30 con cho sữa, số lượng sữa thu hoạch trung bình mỗi ngày khoảng 200kg. Ông Nhiệm áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và sản xuất hàng hóa bền vững, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, không ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm với người tiêu dùng. Đến nay, trang trại chăn nuôi và sản xuất của gia đình ông Nhiệm đã được chứng nhận sản phẩm VietGAP.
Chăn nuôi bò theo quy trình an toàn khép kín đòi hỏi ông Nhiệm và gia đình phải có tâm huyết, yêu nghề mới thành công. Muốn có lượng sữa đạt cả về chất lượng và số lượng, gia đình ông Nhiệm tiến hành vắt sữa bò với ngày hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Trước khi vắt, máy vắt và bầu sữa của bò được vệ sinh sạch sẽ. Sữa sau khi thu, được thanh trùng ngay ở nhiệt độ 75-80 độ C sau đó đem đóng chai hoặc chế biến thành các sản phẩm sữa chua.
Không những sản xuất sữa chua và sữa thanh trùng từ sản phẩm sữa bò của gia đình, đến nay cơ sở sản xuất của gia đình ông Nhiệm còn thu mua mỗi ngày khoảng 700 lít sữa bò cho 6 hộ gia đình nuôi bò sữa trên địa bàn xã Châu Pha, với giá cao hơn thị trường từ 2-3 ngàn đồng/lít.
Hiện nay, một tháng cơ sở sản xuất sữa chua, sữa thanh trùng của gia đình ông Nhiệm sản xuất khoảng 10 tấn sản phẩm thành phẩm tất cả đều đạt chứng nhận VietGAP, sản phẩm sữa chua, sữa thanh trùng của gia đình ông đã được thị trường từ miền Nam ra miền Bắc rất ưu chuộng, hiện sản phẩm đã có mặt tại hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc.
Với cách làm này mỗi năm cho gia đình ông doanh thu khoảng trên 1 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho từ 25 đến 30 lao động tại địa phương, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Với những đóng góp tích cực, từ năm 2018 đến nay ông Nguyễn Văn Nhiệm liên tục được UBND tỉnh tặng bằng khen Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thành tích cao hơn nữa là trong năm 2020 ông được Thủ Tướng Chính phủ tặng bằng khen Nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất kinh doanh góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Ông cũng đang được đề cử là công dân ưu tú của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2022 và chuẩn bị đón nhận Huân Chương lao động của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Dương Văn Trăm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Pha cho biết, ông Nhiệm là Chi hội trưởng thuộc Hội nông dân xã Châu Pha, ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia tốt hoạt động các phong trào nông dân ở địa phương, các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn nông dân trong vùng khi đến tham quan mô hình nuôi bò khép kín của ông.
Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Nhiệm được biết đến là nông dân nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa bò có tiếng ở địa phương được nhiều người yêu mến. Thương hiệu Bò sữa Ông Nhiệm là minh chứng cho nông dân thời đại mới dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn học hỏi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế.