Tại các địa phương ven biển ở Thanh Hóa, công tác quản lý, giám sát đội tàu cá được siết chặt hơn trước. Trước và sau mỗi chuyến biển, lực lượng chức năng tại các địa phương ven biển như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thành phố Sầm Sơn, Thị xã Nghi Sơn đều đặn tổ chức các buổi tuyên truyền, nhắc nhở chủ tàu cá, thuyền trưởng không xâm phạm vùng biển nước ngoài, duy trì tín hiện kết nối trên biển; đồng thời nêu rõ những tác hại, hệ lụy khi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, giúp bà con ngư dân nâng cao ý thức chấp hành khi hoạt động trên biển.
Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các chủ tàu lớn ký cam kết, theo dõi thường xuyên lịch trình và khai thác của các tàu cá trên biển.
Tại các cảng cá, các xã, phường nghề cá tổ chức phát thanh trên loa truyền thanh 1-2 lần/ngày với thời lượng 10 phút/bản tin. Công tác tuyên truyền được các lực lượng chức năng, địa phương ven biển triển khai thường xuyên, rộng khắp với nhiều hình thức để đưa thông tin đến ngư dân rõ hơn các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản, ngăn chặn, giảm thiểu hành vi vi phạm khai thác IUU.
Ngoài ra, để giúp chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên hiểu rõ vùng biển khai thác an toàn, từ năm 2022 đến tháng 4/2023, các lực lượng chức năng, địa phương ven biển ở Thanh Hóa đã xây dựng nội dung, in và phát 25.000 tờ rơi, 6.000 sổ tay, tổ chức 10 lớp tập huấn cho gần 1.050 lượt ngư dân về các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU.
Hiện Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) đang phối hợp với các địa phương ven biển rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của tỉnh, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định.
Ông Lê Văn Sáng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết: "Thông qua hệ thống Trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đã kịp thời theo dõi và cảnh cáo tàu vượt ranh giới khi khai thác trên biển, nếu chủ tàu nào phạm lỗi liên tục, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình hoặc vượt ranh giới sẽ bị nhắc nhở ngay. Trong hơn 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý 33 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Không những thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa còn công bố công khai danh sách 183 tàu cá của tỉnh có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Đồng thời thông báo cho lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm tàu cá của ngư dân Thanh Hóa cố tình vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản".
Hiện tỉnh Thanh Hóa có 1.121/1.152 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (đạt hơn 97%) và 1.796/1.980 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Ngoài ra, tỷ lệ đánh dấu tàu cá đạt tỷ lệ 98% với 2.983/3.044 tàu cá được đánh dấu và 1.062/1.152 tàu cá được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm... Thanh Hóa đã nhập liệu 2.586 tàu cá vào hệ thống Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase) về kết quả đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, tàu ra vào cập cảng, sản lượng thủy sản qua cảng.