Theo thống kê của NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; trong đó, qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua di động tăng tương ứng 98,3% và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện đã có % người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) tính đến tháng 6/2022.
Số liệu thống kê qua nền tảng thanh toán Payoo cũng ghi nhận, trong quý 2/2022, các giao dịch thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia tăng đến 84% về số lượng và gấp 3 lần về giá trị giao dịch so với quý 1. Hiện tại, Cổng dịch vụ công quốc gia giúp người dân và doanh nghiệp thanh toán tất cả các dịch vụ công cấp độ 4: nộp thuế thu nhập cá nhân; nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính; đóng BHXH tự nguyện, đóng và gia hạn BHYT; thanh toán tiền điện, tạm ứng án phí, nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, tài sản, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…
Các giao dịch thanh toán thuộc nhóm dịch vụ công ở các nhà cung cấp khác cũng tăng trưởng rất tốt với mức tăng 67% về số lượng và gấp 2 lần về giá trị giao dịch. Điều này chứng tỏ nỗ lực của Chính phủ và các ngân hàng, tổ chức tài chính, trung gian thanh toán trong việc thúc đẩy người dân thanh toán không dùng tiền mặt đã bước đầu đạt kết quả khả quan.
Ở mảng giáo dục cũng có sự bứt phá mạnh, nhất trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 do nhu cầu học và thanh toán học phí trực tuyến. Hiện mảng này vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng từ năm ngoái đến nay. Cụ thể, ở nhóm trường công lập, thực hiện theo chủ trương của đề án thanh toán học phí không dùng tiền mặt của Sở Giáo dục Đào tạo TP Hồ Chí Minh, các trường đã phối hợp với các cổng trung gian thanh toán để thu hộ học phí.