Thanh toán online tăng ‘vũ bão’, ngân hàng tăng cường bảo mật

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tính đến thời điểm này, bình quân ngành Ngân hàng có tới 80% công việc được xử lý trên kênh số, khoảng 66% số lượng giao dịch được thực hiện trên kênh số, thậm chí có nơi số hóa đạt tới 95%.

Chú thích ảnh
 Đảm bảo hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử ngân hàng ổn định, an toàn và thông suốt.

Làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng 

Hiện, giao dịch qua Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) tăng trưởng khoảng hơn 32% về số lượng và 18% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2023. Theo thông tin từ Napas ngày 31/10, Napas đã phối hợp với các ngân hàng thành viên (NHTV) thực hiện diễn tập chuyển đổi hệ thống kỹ thuật. 

Việc triển khai diễn tập trên nằm trong kế hoạch đảm bảo hoạt động liên tục của Napas nhằm tuân thủ Thông tư 09/2020/TT - NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về Quy định an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng, qua đó đảm bảo hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử ngân hàng ổn định, an toàn và thông suốt.

Phía Napas cũng đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các ngân hàng thành viên diễn tập định kỳ 6 tháng một lần vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm để chuyển đổi hệ thống kỹ thuật từ Trung tâm dữ liệu chính (DC) về Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) và vận hành hệ thống tại Trung tâm dự phòng từ 3 đến 5 ngày. 

“Việc chuyển đổi nhằm tăng cường khả năng ứng phó trước các tình huống bất ngờ có thể xảy ra đối với hệ thống kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử luôn duy trì sự an toàn, ổn định và thông suốt”, đại diện Napas cho biết.

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa, đặc biệt là tận dụng sức mạnh của dữ liệu. 

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc Ứng dụng định danh điện tử (VNeID); làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…

“Toàn ngành đã làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các TCTD, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Ngoài ra, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) đã mang đến khả năng phân tích dữ liệu một cách chi tiết và nhanh chóng. Những công nghệ hiện đại này giúp tạo ra những thông tin giá trị và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp nhất. Trong đó, ứng dụng AI đã trở thành xu hướng nổi bật cho các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng. 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới; hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày.

“Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành Ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện Đề án 06 để vận dụng các kết quả của Đề án vào quá trình chuyển đổi số của Ngành; đồng thời, tiếp tục không ngừng nâng cao năng lực an toàn bảo mật của hệ thống ngân hàng ”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

“Tăng tốc” nâng cao trải nghiệm, chất lượng dịch vụ

Chú thích ảnh
Đảm bảo an toàn thông tin là yếu tố cốt lõi để ngành Ngân hàng phát triển bền vững trong thời đại số.

Đại diện ABBank cho biết: Với nỗ lực không ngừng nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ cho khách hàng, ABBank đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực từ chuyển đổi số với số lượng giao dịch trên một khách hàng có xu hướng tăng đều từ đầu năm. 

Riêng quý 3/2024, số lượng giao dịch qua ngân hàng số của khách hàng tại ABBank  có sự tăng trưởng mạnh với khách hàng cá nhân tăng 47% so với quý 2/2024 và tăng 82% so với cùng kỳ 2023; với khách hàng doanh nghiệp tăng ấn tượng 248% so với quý 2 và tăng 145% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, số lượng giao dịch online của khách hàng doanh nghiệp tăng xuất phát từ việc ABBank giới thiệu đến các khách hàng nền tảng ngân hàng số ABBank Business với nhiều tính năng tiện ích, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản trị tài chính doanh nghiệp. 

Là ngân hàng có hơn 98% giao dịch diễn ra trên nền tảng số, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng phải xây dựng một hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, đảm bảo an toàn và vận hành ổn định. “Khi lượng giao dịch số tăng cao, ngân hàng phải đối mặt với áp lực lớn về bảo mật thông tin. TPBank không chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng mạnh mà còn tập trung bảo vệ khách hàng khi giao dịch qua các ứng dụng di động và nền tảng số của ngân hàng”, ông Nguyễn Hưng cho biết.

“Ngoài bảo vệ hệ thống, chúng tôi không ngừng cảnh báo, hướng dẫn khách hàng cách bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ mật khẩu, mã OTP với bất kỳ ai. Phía ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai công nghệ sinh trắc học và xác thực căn cước công dân gắn chip để nâng cao an toàn cho các giao dịch trực tuyến của khách hàng. Sinh trắc học sẽ tạo ra phương thức xác thực độc nhất, tăng cường bảo mật và giúp khách hàng an tâm hơn khi giao dịch qua kênh số”, đại diện TPBank cho biết.

Phía VietinBank cũng đã ứng dụng trí tuệ nhâ tạo (AI) để nâng cao hiệu quả làm việc và tối ưu chi phí vận hành. AI không chỉ giúp giảm bớt thời gian đào tạo mà còn hỗ trợ các quy trình tự động trong nội bộ ngân hàng. Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng cũng triển khai hệ thống chatbot AI giúp nhân viên tiếp cận quy trình và tài liệu nội bộ nhanh chóng. Điều này đặc biệt hữu ích với các nhân viên mới khi phải tiếp cận khối lượng tài liệu "khổng lồ" của ngân hàng. Không chỉ vậy, AI còn là công cụ đắc lực giúp VietinBank phân tích hành vi khách hàng và cá nhân hóa dịch vụ.

Về bảo mật, AI không chỉ tăng cường bảo mật mà còn giúp VietinBank tùy biến hệ thống dễ dàng khi có thay đổi công nghệ hoặc yêu cầu mới từ khách hàng. “Trước đây, việc điều chỉnh hệ thống rất mất thời gian nhưng nhờ AI, chúng tôi có thể phản ứng nhanh, từ đó cải thiện dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng”, ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ thêm.

Minh Phương/Báo Tin tức
Nâng cao tính bảo mật thông tin trong các giao dịch
Nâng cao tính bảo mật thông tin trong các giao dịch

Đại diện một số ngân hàng cho rằng, vấn đề bảo mật thông tin trong thanh toán không dùng tiền mặt luôn được người dùng và cả tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, cơ quan quản lý đặt lên hàng đầu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN