Cụ thể, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải giao Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra về tải trọng phương tiện đợt cao điểm. Trong đó, tập trung vào khu vực, tuyến đường nhiều phương tiện có dấu hiệu vi phạm về tải trọng.
Với các tuyến Quốc lộ chưa được giao quản lý, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị chủ trì, phối hợp với công chức thanh tra thuộc Cục Quản lý đường bộ khu vực tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính về tải trọng phương tiện, các đơn vị tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thu thập chứng cứ, xác định hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính về cơi nới thành thùng hàng…” - Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong quý I/2022, lực lượng chức năng đã sử dụng cân xách tay kiểm tra hơn 19.500 phương tiện. Trong đó, phát hiện hơn 2.400 phương tiện vi phạm, tước 463 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc Nhà nước hơn 13 tỷ đồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận hiện xe quá tải đang bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng, lưu thông công khai trên nhiều tuyến đường, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông. Đặc biệt, tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa... và trên các tuyến Quốc lộ 37 tỉnh Thái Nguyên, Quốc lộ 12B tỉnh Ninh Bình, Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 địa phận tỉnh Quảng Nam…
Nguyên nhân của tình trạng trên được Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá là do lực lượng chức năng mỏng nên nhiều chủ xe lợi dụng để vận chuyển hàng quá tải.