Cụ thể, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; sửa đổi bổ sung Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và Công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 91/2015/NĐ-CP liên quan...
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, tình hình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp tiến triển chậm. Thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp (F1) với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 139 tỷ đồng, thu về 149,2 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 2 doanh nghiệp (F2) với giá trị 39,91 tỷ đồng, thu về 180,58 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã nhiều lần chỉ ra nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao là do từ những hạn chế ở khâu lập kế hoạch cho đến khâu tổ chức triển khai thực hiện, giám sát kiểm tra. Trong số đó, nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp chưa cao, chưa quyết liệt. Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra thời gian qua chưa có chế tài xử lý trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.