Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc giải ngân vốn ODA gặp nhiều khó khăn. Đó là theo quy định của Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên và Nghị định 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, không cho sử dụng vốn vay cho chi thường xuyên và chi trả thuế VAT.
Vì vậy các dự án ký trước ngày các văn bản trên có hiệu lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiến hành rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng như hiệp định vay, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện và giải ngân. Đó là các dự án: Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR), Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (SAHEP), Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (WB9).
Mô hình quản lý dự án chưa phù hợp nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chủ động được trong việc đấu thầu, giải ngân như: dự án Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện vay ADB, nhưng việc đấu thầu thực hiện tập trung tại Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Một số dự án mất rất nhiều thời gian xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ các bước trong quá trình thực hiện…
Bên cạnh đó, do tác động đại dịch COVID-19, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia tư vấn, nhà thầu nước ngoài một số dự án bị gián đoạn hoặc không huy động được dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thực hiện.
Ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp cho biết, khác với các loại hình dự án khác, các hoạt động của dự án lâm nghiệp đều giao cho người dân hoặc cộng đồng trực tiếp thực hiện, không phải cho nhà thầu, nên việc quản lý, triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, thực hiện các dự án lâm nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà năng lực và việc tiếp cận với tiêu chí thực hiện các dự án có vốn nước ngoài của các cơ quan chức năng và cộng đồng rất hạn chế. Do vậy, các dự án thường mất rất nhiều thời gian để tập huấn, nâng cao năng lực cho các bên tham gia.
Trước khi thực hiện hoạt động trồng rừng, phục hồi rừng phải tổ chức khảo sát hiện trường, lập bản đồ đầu tư và thiết kế trên một địa bàn rộng và cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên việc triển khai ở nhiều tỉnh bị đình trệ, hầu như không thực hiện được. Nhiều nơi do thiết kế hiện trường kéo dài nên lỡ vụ trồng rừng, như các tỉnh phía Bắc đã lỡ vụ trồng rừng vào tháng 6/2021. Bên cạnh đó, các hoạt động đều giao cho người dân hoặc cộng đồng trực tiếp thực hiện nên phải tổ chức rất nhiều các cuộc họp/tập huấn, nhưng do bị hạn chế tập trung đông người, nên hầu như không thực hiện được.
Ông Đỗ Quang Tùng cho biết, Ban quản lý sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra và hỗ trợ các tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động dự án. Đồng thời nhận diện những vấn đề, những cản trở để phối hợp với các bên tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Ban đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thực hiện dự án.
Để đẩy nhanh giải ngân các dự án ODA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vụ Hợp tác Quốc tế chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch tổng hợp báo cáo Bộ việc sử dụng vốn đối ứng thay thế vốn nước ngoài để chi trả thuế VAT để trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ yêu cầu Ban Quản lý trung ương các dự án Thuỷ lợi tích cực giải ngân ở mức cao nhất vượt mức kế hoạch 2021.
Với tình hình biến động của giá vật liệu xây dựng, Bộ yêu cầu Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 9 rà soát tổng mức đầu tư; chủ động đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo trao thầu các xây lắp còn lại trong năm 2021.
Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 2.845 tỷ đồng vốn nước ngoài. Bộ đã phân bổ toàn bộ số vốn nước ngoài này cho 16 dự án ngay từ cuối năm 2020.