Chưa phát huy hết lợi thế
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô xuất khẩu nông sản. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng nông sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao, nhiều loại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới như: gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, chè, trái cây, rau quả… nông sản của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm.
Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hàng nông sản còn chưa cao, do 80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.
Theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.
Cùng nhận định, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho cho rằng: Ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn cung cấp lượng lớn hàng xuất khẩu. Nông nghiệp phát triển giúp thu nhập của người nông dân tăng lên, góp phần bình ổn kinh tế - xã hội và xây dựng thành công nông thôn mới trên cả nước.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn những hạn chế như tốc độ tăng trưởng chậm, hiệu quả, giá trị chưa cao. Sản xuất nông nghiệp còn thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến thiếu bền vững. Công tác phát triển thị trường cho nông sản, sự hỗ trợ của công nghiệp đối với sản xuất nông nghiệp còn yếu.
Ông Từ Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Dịch vụ Thái Bình Dương phân tích: Các yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam hiện nay là giá cả, khả năng cung ứng thường xuyên, số lượng lớn, sự ổn định về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, nông sản Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp về giá với Trung Quốc, Thái Lan… Sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất đa dạng, nhưng khả năng cung cấp số lượng lớn là chưa tốt do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Điều này cũng là nguyên nhân khiến việc duy trì chất lượng, sự đồng đều của sản phẩm gặp khó khăn.
Theo ông Từ Minh Thiện, xu hướng tiêu thụ thực phẩm trên thế giới hiện nay là sự giao thoa giữa 3 vấn đề là sức khỏe, thuận tiện, sở thích. Điều này cũng đặt ra các tiêu chuẩn của thực phẩm, ngoài sự an toàn, dễ sử dụng còn phải có sự khác biệt. Tuy nhiên, việc đầu tư cho chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam hiện nay chưa có nhiều và chưa dám đầu tư mạnh vì sản xuất nông sản khá bấp bênh. Mặt khác, Việt Nam có rất nhiều chính sách phát triển nông nghiệp nhưng để tiếp cận chính sách không dễ, nhất là đối với người nông dân. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế.
Liên kết bền vững
Ông Võ Tân Thành cho biết, thực tế tại các vùng sản xuất nông sản xuất khẩu như Đồng bằng sông Cửu Long hay một số tỉnh phía Bắc đã hình thành chuỗi cung ứng đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, theo các hình thức liên kết khác nhau. Một số chuỗi cung ứng nông sản đã ứng dụng thành công công nghệ mới như công nghệ thông tin, công nghệ chuỗi khối để kết nối sản xuất và tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản nhằm gia tăng giá trị. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhằm đẩy mạnh sự tham gia của hàng nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng hàng nông sản toàn cầu.
Theo ông Võ Tân Thành, để gia tăng chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, trước hết Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho liên kết phát triển.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với các thành viên khác trong chuỗi.
Phân tích vấn đề liên kết chuỗi cung ứng, ông Từ Minh Thiện cho rằng, có 3 loại liên kết là liên kết chiều ngang, liên kết chiều dọc và liên kết hỗn hợp nhưng tất cả các liên kết cuối cùng chỉ để phục vụ khách hàng. Đối với liên kết chiều ngang là mô hình liên kết hợp tác theo tinh thần tự nguyện của các đơn vị cùng sản xuất một/một nhóm sản phẩm để tăng quy mô sản xuất. Mô hình phổ biến của liên kết ngang là hợp tác xã. Trong khi đó, liên kết chiều dọc có sự tham gia của nhiều mắt xích trong mọt chuỗi liên kết, phát huy được ưu thế, sở trường của các nhân tố.
Tuy nhiên, mô hình liên kết này hiện vẫn khá lỏng lẻo, các mắt xích thiếu niềm tin lẫn nhau, một sự thay đổi về giá trên thị trường có thể làm liên kết này tan rã ngay. Liên kết hỗn hợp ngang và dọc sẽ khắc phục được một số nhược điểm của 2 loại liên kết trên, giúp doanh nghiệp phản ứng nhanh với những thay đổi của thị trường. Đồng thời, tạo ra năng lực tốt hơn trong việc triển khai các phương án sản xuất mới để đáp ứng yêu cầu của khách hàng; tiêu thụ sản phẩm nhanh hơn do điều phối tốt và quản lý hiệu quả trong quá trình ra quyết định.
“Để phát triển được các chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững, cần thay đổi tư duy liên kết sản xuất kinh doanh của người sản xuất lẫn cấp quản lý. Trong giai đoạn đầu, vai trò của Nhà nước cũng như các Viện, Trường có ý nghĩa và tác động quan trọng trong việc hình thành và duy trì các thành viên trong liên kết theo chuỗi giá trị thông qua các chính sách ưu đãi vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật và thị trường. Sau đó, sẽ giảm dần các hỗ trợ về tài chính, chỉ còn các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, về xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Để dần dần, các chuỗi sẽ được hình thành và vận hành theo hướng tự giác, dựa trên hiệu quả kinh tế và sự hợp tác tự nguyện giữa các thành viên.”, ông Từ Minh Thiện khuyến nghị.
Ông Trần Công Thắng nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, đòi hỏi của thị trường ngày càng cao thì ngành nông nghiệp phải định vị lại vai trò, hướng tới phát triển bền vững và đa chức năng. Cụ thể, chuyển đổi tư duy phát triển nông nghiệp Việt Nam từ chỗ xác định nông nghiệp có vai trò chiến lược thành nông nghiệp là nền tảng, lợi thế quốc gia; tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; sản phẩm đơn giá trị sang đa giá trị; chuyển từ sản xuất theo công đoạn, chuỗi cung ứng sang sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, hệ thống lương thực thực phẩm. Về phạm vi, cần mở rộng hệ sinh thái liên ngành, liên vùng.
Theo ông Trần Công Thắng, sáu từ khoá của tư duy kinh tế nông nghiệp là hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng và chế biến. Đồng thời, tích hợp đa giá trị vào một sản phẩm, bao gồm giá trị sử dụng; giá trị thương hiệu; giá trị văn hoá, lịch sử, nhân văn…
Để phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp xanh hơn cần áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ để tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên để tạo ra sản phẩm, dịch vụ hiệu quả về kinh tế và bền vững về môi trường.