Sau 7 năm triển khai thực hiện, mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được nhưng tổng dư nợ cho vay và nợ xấu ở mức cao, nhiều tàu cá nằm bờ, hiệu quả khai thác không cao. Nhằm tiếp tục hỗ trợ ngư dân bám biển, phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả cũng như khai thác tốt tiềm năng từ kinh tế biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 67.
Bài 1: Nợ xấu ở mức cao
Nghị định 67/2014/NĐ-CP tuy chỉ hỗ trợ trực tiếp trên 1.000 tàu cá đóng mới nhưng đã góp phần tạo ra khí thế mới đưa ngư dân vươn khơi bám biển với số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều tàu đóng mới, nâng cấp theo nghị định này hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, có những tàu phải nằm bờ. Về phía tổ chức tín dụng cho vay đóng mới tàu, nâng cấp tàu, nợ xấu cũng rất cao.
Với chính sách tín dụng của Nghị định 67, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với tàu vỏ thép, vỏ composite được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với tàu vỏ gỗ. Ngoài ra, còn có chính sách cho vay vốn lưu động để sản xuất: tối đa 70% giá trị cung cấp dịch vụ hậu cần đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản và chi phí cho một chuyến đi biển đối với tàu khai thác hải sản với lãi suất cho vay là 6,5%/năm. Hay, các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm tàu cá, hỗ trợ đào tạo thuyền viên. Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu tự huy động vốn đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ composite…
Với những chính sách ưu đãi mạnh mẽ trên, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm 13,2%, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng 20,1% so với năm 2014; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển; nhiều mô hình liên kết sản xuất trên biển đã hình thành và phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Nghị định mới chỉ hỗ trợ đóng mới hơn 1.000 tàu nhưng đã tạo nguồn khí thế cho ngư dân đầu tư đóng mới tàu cá xa bờ vươn khơi. Điều này góp phần hiện đại hóa tàu cá, giảm tàu mới khai thác gần bờ.
"Nhờ chính sách này, 1 triệu ngư dân trên biển, gắn với hơn 4 triệu lao động trên bờ có sinh kế bền vững", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay.
Bên cạnh đó, qua việc đầu tư hạ tầng thiết yếu đã góp phần nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cảng cá, lượng hàng hóa qua cảng tăng thêm 55.000 tấn/năm; công suất khu neo đầu tránh trú bão tăng thêm 2.200 tàu; diện tích nuôi trồng thủy sản cũng tăng thêm trên 4.100 ha.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các Ngân hàng Thương mại, đến cuối năm 2021, tổng dư nợ còn 9.520 tỷ đồng của 1.132 tàu; trong đó, nợ xấu là 6.397 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 67,2%. Cụ thể, tàu cá vỏ thép với 176 tàu, chiếm 49% tổng số tàu vỏ thép đóng mới, chiếm 63,8% tổng nợ xấu của chính sách. Tàu cá vỏ gỗ với 188 tàu, chiếm 32% tổng số tàu gỗ đóng mới và chiếm 26,5% tổng nợ xấu của chính sách. Tàu cá vỏ composite với 36 tàu, chiếm 36,7% tổng số tàu composite đóng mới và 9,5% tổng nợ xấu của chính sách.
Nhiều tỉnh có tỷ lệ nợ xấu rất cao như: Trà Vinh, Thái Bình, Ðà Nẵng, Nam Ðịnh, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Trị… Địa phương có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất là Hải Phòng, Ninh Thuận.
Về hỗ trợ ngư dân, đến hết quý IV/2021, các ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 231 tàu cá với dư nợ 924 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay đối với 2 tàu với số tiền 2 tỷ đồng; thực hiện chuyển đổi chủ tàu đối với 20 tàu với dư nợ gần 99 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi thực hiện Nghị định 67 tỷ lệ tàu cá và ngư dân tham gia chính sách bảo hiểm còn hạn chế. Các doanh nghiệp bảo hiểm được tham gia bán bảo hiểm theo nghị định từ cuối năm 2019 không thực hiện bán bảo hiểm cho ngư dân nên nhiều tàu cá không được hưởng chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, chính sách đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho thuyền viên đi trên tàu vỏ thép, vật liệu mới hoặc ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, bảo quản sản phẩm còn rất thấp, mới đạt khoảng 10% so với yêu cầu thực tế.
Về các tàu vỏ thép bị hư hỏng, đến nay đã giải quyết xong. Hiện nay số tàu trên đã đi vào hoạt động bình thường. Nhưng, nhiều chủ tàu không thực hiện thường xuyên duy tu, bảo dưỡng tàu cá, đặc biệt tàu vỏ thép theo quy trình, dẫn đến một số tàu bị gỉ sét, xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ, hoạt động của tàu. Trong khi đào tạo cho ngư dân tại các địa phương khi đóng mới tàu vỏ thép chưa làm tốt để người dân có kiến thức giám sát quá trình đóng, vận hành, duy tu bảo dưỡng tàu một cách hiệu quả.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, một số địa phương quá trình tham gia thực hiện còn thụ động, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh, chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới còn chưa đúng, chưa bám sát thực tế. Một số trường hợp chủ tàu không am hiểu về nghề.
Cùng đó, một số địa phương chưa xem xét kỹ các yếu tố tác động đến ngành nghề khai thác, dịch vụ hậu cần hoặc biến động nguồn lợi trước khi phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh, do đó một số tàu đi vào hoạt động hiệu quả thấp. Việc ngư dân muốn chuyển đổi nghề gặp nhiều khó khăn do không cho vay vốn bổ sung. Nếu chuyển đổi nghề lại không được hỗ trợ lãi suất do thay đổi phương án sản xuất kinh doanh đã phê duyệt.
Nhằm tháo gỡ những tồn tại trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo nghị định mới về một số chính sách phát triển thủy sản. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, những tồn tại, hạn chế cùng với những khó khăn thực trạng sẽ được Ban soạn thảo nghị định đánh giá rất kỹ. Kỳ vọng nghị định mới sẽ khắc phục được khó khăn, tồn tại; đồng thời khơi thông các nguồn lực để ngư dân khai thác hiệu quả, phát triển nuôi biển gắn với bảo vệ, bảo tồn biển, cũng như các lĩnh vực khác của hậu cần nghề cá.
Bài cuối: Thêm chính sách hiệu quả