Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan chủ quản, triển khai thực hiện dự án.
Đây là dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, dự kiến sẽ được triển khai đầu tư ngay trong năm 2023 và đầu năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 87 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, được tách thành dự án độc lập, dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Nam Định.
Đây là một trong các dự án trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các tỉnh ven biển, mang tính liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng, rút ngắn thời gian và khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh phía Nam, tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đi Hải Phòng và ngược lại.
Các dự án khi hoàn thành đồng bộ sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, nhất là đối với vùng kinh tế ven biển của tỉnh Nam Định, cũng như các tỉnh ven biển của đồng bằng Bắc Bộ. Qua đó, tạo động lực phát triển mạnh kinh tế - xã hội các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, đặc biệt là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh, các huyện, các xã có dự án đi qua tập trung triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng và đã đủ điều kiện để tổ chức triển khai thi công.
Để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị tỉnh Ninh Bình tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư thực hiện đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục có liên quan trong quá trình thi công dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân hiểu rõ về lợi ích của dự án. Từ đó, ủng hộ, đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án. Nhà thầu thi công tập trung huy động nguồn lực: máy móc, vật tư, nhân lực, tài chính, công nghệ... có kế hoạch, phương án tổ chức thi công phù hợp, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo hợp đồng và an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Cùng với đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư) chỉ đạo rà soát, thực hiện đầy đủ các thủ tục triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp cùng tư vấn giám sát thường xuyên theo dõi, giám sát, đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng, mỹ thuật. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong quá trình triển khai dự án, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh; hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư của dự án theo đúng kế hoạch.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề xuất Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương trong triển khai dự án; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh công tác triển khai các thủ tục sớm đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình để kết nối đồng bộ với dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định Đinh Văn Phương, dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng có điểm đầu dự án tại Km17+300 thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối tại Km19+300 thuộc xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy với chiều dài khoảng 2,0 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h; bao gồm: phần cầu vượt sông có chiều dài khoảng 1,36 km với mặt cắt ngang 19,5 m; đường dẫn có chiều dài khoảng 0,64 km với bề rộng nền đường 19,0 m và các tuyến đường nhánh, nút giao và các công trình phụ trợ theo quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành với tổng mức đầu tư là 1.450 tỷ đồng; thời gian thực hiện đến năm 2025.