Tuy nhiên, "cơn cuồng" cổ phiếu mới này có thể sẽ hạ nhiệt khi nhu cầu trên thị trường bình thường trở lại trong vài tháng tới.
"Cơn sốt" hạ nhiệt…
Các doanh nghiệp châu Á vừa trải qua một quý sôi động nhất từ trước đến nay trên thị trường IPO, nhờ dòng thanh khoản trong suốt thời kỳ bùng phát dịch COVID-19, lãi suất ở mức siêu thấp và sự khởi sắc của các thị trường chứng khoán. Theo số liệu của Bloomberg, các doanh nghiệp ở khu vực này đã huy động được 49,3 tỷ USD thông qua IPO tại thị trường trong nước và ở nước ngoài, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2020.
Trên quy mô toàn cầu, các thương vụ IPO đã huy động được số vốn chưa từng có tiền tệ, 215 tỷ USD, trong đó gần một nửa đến từ làn sóng bùng nổ tại Mỹ trong hình thức IPO thông qua công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
Tuy nhiên, giờ đây, khi "cơn cuồng" các cổ phiếu trong mảng chăm sóc y tế và công nghệ, vốn đã chi phối thị trường chứng khoán toàn cầu trong thời gian qua, và xu hướng SPAC có khả năng hạ nhiệt, triển vọng cho những thương vụ IPO mới dường như kém sáng hơn.
Bên cạnh đó, thị trường IPO ở châu Á còn đối mặt với một thách thức nữa, khi các công ty công nghệ của Trung Quốc, vốn thường dẫn dắt hoạt động huy động vốn trong khu vực, đang gặp nhiều khó khăn. Không chỉ chịu nhiều áp lực từ các cơ quan quản lý trong nước liên quan đến các hành vi độc quyền, các công ty này còn là trọng tâm trong căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Điển hình là gần đây, Washington đã thúc đẩy dự thảo luật loại các công ty Trung Quốc không tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán của Mỹ khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của nước này. Kéo theo đó là những màn IPO "kém nhiệt" của các công ty đến từ Trung Quốc. Với số vốn huy động được 507 triệu USD, công ty công nghệ tài chính Bairong Inc. đã có màn ra mắt tồi tệ nhất trong ba năm qua trong số các thương vụ IPO có trị giá trên 500 triệu USD tại Hong Kong (Trung Quốc). Kịch bản tương tự cũng xảy ra với công cụ tìm kiếm Baidu Inc. và dịch vụ phát video Bilibili Inc..
… hay sự điều chỉnh lành mạnh của thị trường
Dù vậy, nhu cầu thấp của giới đầu tư với các cổ phiếu IPO không ảnh hưởng đến kế hoạch "lên sàn" của những công ty đầy hứa hẹn. Công ty âm nhạc trực tuyến Tencent Music Entertainment Group, dịch vụ nhật ký điện tử (micro-blogging) Weibo Corp và dịch vụ du lịch trực tuyến Trip.com Group. là những công ty đã niêm yết tại Mỹ muốn quay về "lên sàn" tại Hong Kong.
Các thương vụ niêm yết lần hai (secondary listing) này, vốn được xem là một biện pháp phòng trừ rủi ro trước tình hình căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đã huy động được 17 tỷ USD tại Hong Kong trong năm 2020, và đã ghi nhận con số 6,4 tỷ USD trong năm nay tính đến đầu tháng Tư.
Ông Francesco Lavatelli, người phụ trách các thị trường vốn cổ phần khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng JPMorgan Chase & Co, nhận định xu hướng niêm yết lần hai này sẽ tiếp diễn, nhưng điều thú vị là liệu các công ty IPO muốn niêm yết kép có xem xét phương án niêm yết lần đầu trên cả hai thị trường Hong Kong và Mỹ ngay từ đầu, thay vì niêm yết lần đầu ở Mỹ, sau đó chờ hai năm mới niêm yết lần hai ở Hong Kong hay không.
Các công ty công nghệ và chăm sóc y tế chiếm một phần lớn trong thị trường IPO ở châu Á, và nhiều công ty trong số này lựa chọn niêm yết tại Mỹ vì giới đầu tư ở Mỹ quen thuộc hơn với các cổ phiếu kiểu mới này. Trong các mảng này nổi lên có startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe WeDoctor với kế hoạch IPO trị giá hàng tỷ USD ở Hong Kong và startup được ví như "Uber xe tải" của Trung Quốc với dự định kêu gọi 1 tỷ USD vốn đầu tư thông qua IPO tại Mỹ.
Ông Tucker Highfield, người đồng phụ trách các thị trường vốn cổ phần khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Bank of America Corp, nhận định thị trường IPO ở khu vực này vẫn khá sôi động nhưng tập trung nhiều vào các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng. Các nhóm cổ phiếu này rõ ràng đang ghi nhận một chút thay đổi trong tâm lý của các nhà đầu tư.
Cuối cùng, "cơn sốt" cổ phiếu của các công ty IPO có thể sẽ hạ nhiệt, và thị trường này sẽ "chất" hơn với các thương vụ IPO của những công ty tốt thực sự, thay vì các công ty "rỗng" muốn tận dụng "cơn sốt" của thị trường.
William Smiley, người đồng phụ trách các thị trường vốn cổ phần của Ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. ở khu vực châu Á trừ Nhật Bản, cho rằng việc bước vào một thị trường cân bằng hơn không phải là điều gì tồi tệ, và nếu có một giai đoạn điều chỉnh của thị trường, thì giai đoạn này diễn ra càng nhanh càng tốt, vì một thời kỳ suy giảm kéo dài sẽ giết chết hoạt động phát hành cổ phiếu.