Trong tuần này, tâm điểm của thị trường hướng về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm quyết định mức tăng lãi suất và những bình luận xoay quanh chính sách thắt chặt tiền tệ trong tương lai. Điều này sẽ gây ra những biến động không nhỏ cho thị trường kim loại vốn rất nhạy cảm với các quyết định của FED.
Mức lạm phát kỷ lục thách thức nỗ lực thắt chặt tiền tệ
Căng thẳng tại khu vực Biển Đen đã khiến cho giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt, gây áp lực lên chi tiêu của các hộ gia đình và thúc đẩy lạm phát toàn cầu đạt đỉnh. Cuối tuần trước, dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của nước này đã vượt kỳ vọng và thiết lập mức đỉnh trong vòng 4 thập kỷ khi tăng tới 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá sản xuất (PPI) vừa được công bố vào tối qua cũng tăng với tốc độ gấp đôi so với hồi tháng 4, bất chấp 2 lần tăng lãi suất của FED từ đầu năm đến nay và những hành động cắt giảm bảng cân đối kế toán nhằm hạn chế cung tiền.
Bài toán về kiểm soát giá cả dần trở nên phức tạp với nhiều biến số khó lường, chi phối tâm lý các nhà đầu tư về việc FED sẽ mạnh tay nâng mức lãi suất hơn nữa và viễn cảnh về suy thoái kinh tế sau đó cũng dần xuất hiện. Thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến đợt bán tháo mạnh mẽ trong những phiên giao dịch gần đây và đồng bạc xanh tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn 20 năm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng đang ở mức đỉnh trong vòng 1 thập kỷ khi các nhà giao dịch tăng mức đặt cược vào việc FED sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Chi phí cơ hội của việc nắm giữ các mặt hàng kim loại có tính trú ẩn do vậy cũng phải chịu thách thức lớn, đồng thời áp lực suy thoái cũng đè nén lên triển vọng tiêu thụ kim loại trong sản xuất công nghiệp.
Hành động của FED và viễn cảnh của thị trường kim loại
Từ đầu năm đến nay, FED đã điều chỉnh lãi suất 2 lần và 75 điểm cơ bản đã được bổ sung. Tuy nhiên, các dữ liệu gần đây đang gây trở ngại cho nỗ lực hạ nhiệt lạm phát và nhiều khả năng buộc FED phải mạnh tay hơn nữa trong cuộc họp trong tuần này, tháng sau và có thể vào cả tháng 9. Sự hoảng sợ trong tâm lý của các nhà đầu tư đang lôi kéo mức đặt cược cho rằng cuộc họp vào đêm nay sẽ đưa ra mức tăng lãi suất kỷ lục thêm 0.75 điểm phần trăm. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME đang cho thấy có tới 96% ý kiến nghiêng về giả thuyết này, tăng vọt từ con số hơn 30% vào hồi đầu tuần.
Thị trường kim loại kể từ sau dữ liệu về lạm phát của Mỹ hồi cuối tuần trước đã liên tục chịu áp lực khiến giá giảm. Giá đồng và giá bạc đánh mất hơn 6% trong khi giá bạch kim lao dốc hơn 10% chỉ trong vòng 1 tuần. Đêm nay, mức lãi suất mới sẽ được quyết định và các manh mối về hành động của FED trong tương lai cũng sẽ cho các nhà đầu tư những hướng đi mới. Nếu như lãi suất chỉ tăng 50 điểm cơ bản như các bình luận từ cuộc họp trước đó của FED, nhiều khả năng đồng Dollar Mỹ sẽ hạ nhiệt và giá các mặt hàng kim loại sẽ phục hồi nhẹ do gánh nặng tâm lý của các nhà đầu tư được cải thiện hơn. Một kịch bản khác đang được nhiều nhà giao dịch đặt cược, 0.75 điểm phần trăm tăng sẽ được quyết định, và trở thành mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1941 của Mỹ. Chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt khi đó sẽ tạo ra áp lực suy thoái kinh tế và thị trường kim loại sẽ khó tìm được điểm tựa cho đà phục hồi trong ngắn hạn.
Nhìn chung, cuộc chiến lãi suất của FED là một hành trình dài và mục tiêu đưa lạm phát trở về mức 2% còn vấp phải nhiều thách thức lớn. Thị trường kim loại thường sẽ biến động mạnh trước thềm tin tức được công bố. Do vậy, trong trường hợp mức lãi suất tăng mạnh trong cuộc họp đêm nay, điều này sẽ nằm trong kỳ vọng của thị trường và mức giảm đối với các mặt hàng kim loại trong tuần tới có thể sẽ biến động ít hơn so với các phiên giao dịch vừa qua.