Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Trung Quốc là thị trường rất lớn với 1,4 tỷ dân, có đường biên giới sát với Việt Nam tạo thuận lợi xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng, có thị hiếu tiêu dùng giống nhau… Theo số liệu thống kê, trong năm 2018 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt trên 100 tỷ USD, trong đó xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt hơn 11 tỷ USD. Nhu cầu xuất nhập khẩu về nông sản giữa hai nước ngày càng tăng, tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã có thay đổi một số quy định trong nhập khẩu hàng hóa như: truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, bao bì nhãn mác…
Chẳng hạn như đối với mặt hàng rau quả muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm; đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc, phải đăng ký mã số vùng, địa danh của nông sản với Hải quan Trung Quốc. Các đơn vị nhập khẩu phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc kèm theo nhãn mác; sản phẩm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bao gói, điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng hại.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê từ đầu năm đến nay tổng kim ngạch rau quả xuất qua Trung Quốc giảm một ít so với cùng kỳ 2018. Việc giảm sút này là do những mặt hàng trước đây được xuất theo tiểu ngạch thì theo quy định mới về quản lý chất lượng hàng hóa từ phía Trung Quốc giờ không được xuất khẩu. Còn đối với những mặt hàng được xuất theo chính ngạch thì nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang rất lúng túng về những thủ tục giấy tờ theo quy định mới của Trung Quốc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những quy định mới của Trung Quốc không phải là rào cản đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam, bởi các doanh nghiệp Việt Nam đã có thế mạnh về hàng hóa đạt chất lượng xuất sang các thị trường khó tính trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Vấn đề ở đây chính là các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy về cách tiếp cận thị trường Trung Quốc. về xuất nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc, bởi đời sống người dân Trung Quốc đã tăng, nhu cầu sử dụng những mặt hàng chất lượng cũng sẽ tăng.
“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những quy định của Trung Quốc về chất lượng an toàn sản phẩm thì khả năng trong những năm tới kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang đất nước này sẽ đạt trên 4 tỷ USD bởi đây là một thị trường rất lớn”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thêm.
Theo ông Đào Việt Anh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, thời gian tới Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu tiềm năng của nhiều mặt hàng Việt Nam. Điều này dựa trên cơ sở nhu cầu, sức mua của người dân Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm đang tăng cao, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích nhập khẩu hàng hóa theo đường chính ngạch để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thêm vào đó, Việt Nam – Trung Quốc có vị trí địa lý tiếp giáp nhau, thuận lợi trong trao đổi, vận chuyển hàng hóa với chi phí vận tải khá rẻ.
Để giải quyết những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp trước những quy định mới nhập khẩu mặt hàng nông sản vào Trung Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nam cho biết, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời thống nhất tổ chức lớp tập huấn để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các thủ tục và các quy định mới khi xuất khẩu hàng hóa nông sản vào Trung Quốc.