Theo phương án của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, các gầm cầu được phép trông giữ xe phải bố trí lối xe ra, vào riêng biệt, hợp lý, có nhân viên hướng dẫn giao thông tại các lối ra, vào, bảo đảm an toàn giao thông cho người, phương tiện; sắp xếp phương tiện, lối ra vào cách mố, trụ cầu tối thiểu 3 m từ mép trụ mỗi bên để phục vụ cho các đơn vị quản lý cầu duy tu công trình cầu theo quy định.
Hệ thống camera kiểm soát được lắp đặt trong khu vực trông giữ xe để phục vụ việc quản lý phương tiện, bảo đảm an ninh trật tự, trích xuất dữ liệu khi cần kiểm tra. Các điểm có phương án bảo đảm an toàn cháy nổ, bố trí đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy; áp dụng công nghệ thông tin để thông báo giá dịch vụ trông giữ.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Tài chính, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ Nghị quyết 12/NQ - CP của Chính phủ ban hành ngày 19/2/2019 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021, kiểm tra kỹ các địa điểm trông giữ xe dưới gầm cầu.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, về nguyên tắc không được sử dụng gầm cầu để tổ chức trông giữ phương tiện nhưng do Hà Nội rất thiếu diện tích giao thông tĩnh trong nội đô, trong khi nhu cầu gửi xe của người dân lại rất cao. Trên cơ sở đề xuất của Hà Nội được sử dụng một số vị trí gầm cầu vượt, lòng, lề đường, hè phố để đỗ xe, tổ chức trông giữ xe ô tô, xe máy.
Cùng với Nghị quyết 12 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND thành phố Hà Nội rà soát, tổ chức hợp lý các khu vực gầm cầu, gầm đường trên cao để sử dụng tạm thời trông giữ phương tiện cho người dân nên Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý để thành phố Hà Nội cho phép được trông giữ ô tô, xe máy dưới các gầm cầu sau nhiều lần Hà Nội kiến nghị để giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân.