Ngày 3/3, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết: Sự xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2020-2021 (từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau) đến muộn và không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020. Từ đầu năm 2021 đến nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao, tính đến cuối tháng 2/2021, ranh mặn 4g/l ở sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây thấp hơn cùng kỳ năm 2020 từ 30-32km; ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Cửu Long thấp hơn cùng kỳ năm 2020 từ 5-25km; ranh mặn 4g/l trên sông Cái Lớn thấp hơn cùng kỳ năm 2020 từ 10-13km.
Nguyên nhân gây ra xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long chính là do thiếu hụt lượng mưa, nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công trong mùa lũ năm 2020, đỉnh lũ năm 2020 ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền, sông Hậu (tỉnh An Giang) ở mức thấp (dưới báo động 1), dẫn đến dòng chảy mùa khô 2020-2021 từ thượng nguồn sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt từ 10-20% so với trung bình nhiều năm (2012-2020) gây ra tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2020-2021.
Trước tình hình trên, Trưởng phòng Phùng Tiến Dũng khuyến cáo, từ nay đến cuối tháng 4/2021 - thời kỳ cao điểm của xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với các diễn biến nguồn nước và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, vận hành hệ thống công trình hợp lý, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước, hạn chế tiêu thoát nước, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể trong thời kỳ xâm nhập mặn giảm.