Đạt được vào tháng 9 năm ngoái, thỏa thuận giữa Nvidia, nhà sản xuất chip đồ họa và chip sử dụng trí tuệ nhân tạo lớn nhất thế giới của Mỹ và nhà thiết kế chip ARM, công ty công nghệ quan trọng bậc nhất của Anh, đã gây phản ứng dữ dội từ các nhà lãnh đạo, các đối thủ và các khách hàng.
Tại Anh, những người chỉ trích cho rằng sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và nhận thức gia tăng về sự cần thiết phải có được cơ sở hạ tầng chủ chốt có nghĩa ARM, thuộc sở hữu của SoftBank (Nhật Bản) từ năm 2016, không nên bị bán một lần nữa.
Ngày 20/8, CMA đã gây thêm sức ép khi cho rằng công ty sau sáp nhập có thể làm giảm sự cạnh tranh trên các thị trường trên khắp thế giới và trong những lĩnh vực như trung tâm dữ liệu, Internet vạn vật hay xe tự hành.
Để thông qua một thỏa thuận với tác động lớn đến vấn đề cạnh tranh, CMA thường yêu cầu xóa bỏ bộ phận trong công ty sau sáp nhập có thể làm tổn hại đến các đối thủ. Tuy nhiên, những lo ngại về ARM và Nvidia liên quan đến toàn bộ các hoạt động kinh doanh.
Thỏa thuận cũng gióng lên hồi chuông báo động khi đe dọa đến sự đổi mới trong các lĩnh vực tạo nên xương sống của các nền kinh tế hiện đại.
Người đứng đầu CMA, Andrea Coscelli, cho biết cơ quan này quan ngại rằng việc Nvidia kiểm soát ARM có thể gây ra những vấn đề cho các đối thủ của Nvidia khi hạn chế sự tiếp cận với các công nghệ chủ chốt và cuối cùng dẫn tới việc kìm hãm đổi mới trong một số thị trường quan trọng đang tăng trưởng.
Sau khi tiến hành điều tra, CMA đã nêu lên những quan ngại như giá chip có thể tăng trong khi đang có tình trạng khan hiếm trên toàn cầu do đại dịch, với những tác động đặc biệt đến lĩnh vực sản xuất ô tô.
Gần một năm trước, SoftBank đã công bố kế hoạch bán ARM và dự kiến hoàn tất thỏa thuận vào đầu năm 2022. SoftBank đã mua lại ARM với giá 32 tỷ USD.