Tổn thất lớn
Thực tế diễn biến thời tiết cho thấy, năng nóng kéo dài, mưa trái mùa, mưa cường độ cao cục bộ ở một số nơi đã gây ảnh hưởng đến chu kì ra hoa, đậu trái của điều, tiêu. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết, vài năm trở lại đây, cây xoài thường xuyên rơi vào cảnh mất mùa, nhất là canh tác xoài nghịch vụ. Trong vụ thu hoạch đầu năm 2022 này, năng suất xoài nghịch vụ và chính vụ đều giảm mạnh vì ảnh hưởng bởi thời tiết.
Không chỉ giảm năng suất, chất lượng trái cũng kém hơn, nhiều nhà vườn, chất lượng, mẫu mã trái không đạt chuẩn xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên liên tiếp vài vụ thu hoạch xoài trở lại đây, người trồng xoài đều vừa mất mùa, lại vừa khó tiêu thụ. Không riêng cây xoài, cây điều cũng chịu tác động lớn từ biến động thời tiết.
Vụ thu hoạch năm 2022, cây điều vào vụ trễ gần 2 tháng so với mọi năm. Nguyên nhân do mưa trái mùa xuất hiện nhiều, nhiều nơi mưa lớn ngay thời điểm điều ra hoa khiến đợt hoa đầu của các vườn điều không đậu trái hoặc không có năng suất.
Ông Nguyễn Văn Thu, nông dân trồng điều tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai chia sẻ, đợt ra hoa đầu gặp tình trạng mưa trái mùa nên hầu như cây điều không đậu trái. Người trồng điều chỉ còn kỳ vọng vào đợt hoa lần thứ 2 đạt năng suất tốt hơn. Tuy nhiên, diện tích trồng điều ở địa phương đang giảm mạnh vì lợi nhuận của cây trồng này ngày càng thấp; trong đó có nguyên nhân mất mùa do thời tiết.
Không riêng nông dân tỉnh Đồng Nai chịu cảnh mất mùa, nông dân trồng điều của tỉnh Bình Phước cũng đang gặp nhiều khó khăn vì cây điều giảm năng suất. Tại huyện biên giới Bù Gia Mập, địa bàn có diện tích điều lớn của tỉnh Bình Phước, nhiều hộ dân đang tất bật thu hoạch điều đầu vụ. Tuy nhiên, mưa liên tục, xuất hiện sương mù, sâu bệnh gây hại khiến người trồng điều thấp thỏm.
Anh Điểu Ken, ngụ tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ, nhà anh sản xuất 4 ha điều. Khi vườn điều đang ra hoa đợt 2, lại gặp phải những cơn mưa trái mùa liên tục, bông điều khô, không đậu trái khiến anh Ken lo lắng. Vườn điều của anh Ken đã 20 năm tuổi, đối diện với thời tiết bất thường nên anh chủ động phun thuốc 2 lần để giúp cây điều khỏe mạnh, chống chịu được sâu bệnh, nhưng cây điều vẫn không đủ sức chống chịu với thời tiết này. Không những vậy, khi cây điều gặp mưa trái mùa, gặp sâu bệnh khiến cho chất lượng điều tươi giảm, giá thu mua cũng giảm, gây tổn thất lớn cho người sản xuất.
Ảnh hưởng nguồn nguyên liệu
Biến động thời tiết làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, điều này cũng gây ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cung ứng cho chế biến và xuất khẩu. Nhất là đối với cây điều, diện tích sản xuất điều của cả nước vốn không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, khi sản lượng điều trong nước có nguy cơ giảm do ảnh hưởng thời tiết, thì người thiệt hại trước nhất là nông dân, sau đó là doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước cho biết, hiện doanh nghiệp đang liên kết thu mua hạt điều với một số hộ dân tại địa phương. Đây là nguồn nguyên liệu chủ yếu để chế biến ra thành sản phẩm cung cấp thị trường trong và ngoài nước. Thời tiết bất lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến ra hoa, đậu trái. Sản lượng điều giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nguyên liệu đầu vào của công ty. Trong khi đó, công ty lại có đơn hàng nguyên liệu nhập khẩu ít, khó có thể hoàn thành các hợp đồng của nhà nhập khẩu đã kí kết trước đó, thiếu nguyên liệu sẽ khiến công ty có nguy cơ vi phạm hợp đồng với đối tác.
Còn bà Trần Thị Yên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết, với tình trạng điều mất mùa hiện nay, hợp tác xã cũng khó có thể xoay xở để hỗ trợ người trồng điều, bởi biến động thời tiết tác động đến toàn bộ các vườn điều. Trong trường hợp điều giảm năng suất, nhưng giá bán vẫn cao thì người trồng điều còn có thể gỡ hòa. Nhưng trong thời điểm này, cây điều giảm năng suất do ảnh hưởng thời tiết, giá điều tươi lại giảm 4.000 đồng/kg, nên cả hợp tác xã, các đơn vị liên kết với người trồng điều cũng khó hỗ trợ.
Hiện công suất chế biến hạt điều của cả nước đạt 1,6 triệu tấn, nhưng năng lực nguyên liệu điều cả nước đáp ứng cho xuất khẩu chỉ đạt hơn 300.000 tấn. Như vậy, số còn lại hoàn toàn nhập khẩu từ các quốc gia trồng điều khác.
Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam chia sẻ, hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều lớn đều phải tính toán nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp trước khi kí kết hợp đồng với nhà nhập khẩu. Với các doanh nghiệp nhiều đơn hàng xuất khẩu thì nhập khẩu nguyên liệu với số lượng lớn và trước đó thời gian dài là điều hiển nhiên, không phải chờ nguồn nguyên liệu của người trồng điều trong nước. Hiện nay, nguồn nguyên liệu điều phục vụ cho chế biến đang được dịch chuyển dần từ các nước châu Phi sang Campuchia, bởi thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng Việt Nam, dễ dàng cho hạt điều chất lượng tương đồng phục vụ cho xuất khẩu hơn.
Đối với các hộ nông dân, để thích nghi, ứng phó kịp thời, nông dân cần quan tâm chuyển đổi sang những mô hình sản xuất, ứng dụng giống mới ít bị tác động bởi thời tiết. Ngoài ra, nông dân phải trang bị kiến thức khoa học, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất để khắc phục, hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra.