Cụ thể, mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò) đã được UBND tỉnh Đồng Tháp giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C thực hiện thủ tục và khai thác theo cơ chế đặc thù (theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội) từ tháng 4/2024 đến nay.
Mỏ cát này có diện tích 25,31 ha. Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp phê duyệt trong khu mỏ hơn 1,7 triệu m3. Tổng trữ lượng khoáng sản cát san lấp được phép khai thác 1,2 triệu m3. Công suất khai thác là 1 triệu m3/năm.
Xét đề nghị của nhà thầu cũng như Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định điều chỉnh công suất khai thác hằng ngày đối với mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò).
Sau khi nâng công suất, mỏ cát này được phép khai thác tăng từ 2.778 m3/ngày lên 3.855 m3/ngày. Mỏ cát nâng công suất khai thác hằng ngày trong thời gian từ tháng 9 đến hết tháng 12/2024. Đây là mỏ cát đầu tiên phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 được nâng công suất khai thác.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C có giải pháp kỹ thuật khai thác an toàn, tránh bị tác động của chế độ thủy lực gây xói lở, bào mòn nhanh phần khối lượng chưa khai thác, đặc biệt là trong mùa lũ; trước khi tiến hành khai thác phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, điều kiện, năng lực đáp ứng việc khai thác theo quy định.
Bên cạnh đó, phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác phải có đăng ký, đăng kiểm; đồng thời, thực hiện đầy đủ, đúng về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát theo đúng quy định tại Điều 9 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ và các quy định hiện hành khác có liên quan về lắp đặt thiết bị giám sát, theo dõi hoạt động khai thác.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan theo dõi, quản lý chặt chẽ, đảm bảo toàn bộ nguồn cát khai thác cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1; thường xuyên kiểm tra, yêu cầu nhà thầu khai thác mỏ cát thực hiện đúng, đủ về yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát trong quản lý và khai thác cát.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, nhu cầu vật liệu cát san lấp của Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 khoảng 2,3 triệu m3; trong đó, nhu cầu năm 2024 là 1,7 triệu m3. Đến nay, 3 mỏ cát mà UBND tỉnh Đồng Tháp giới thiệu cho nhà thầu đã tiến hành khai thác để cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, gồm: mỏ cát thuộc xã Thường Lạc, Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) và phường An Lạc (thành phố Hồng Ngự); mỏ cát thuộc xã An Hiệp, An Nhơn (huyện Châu Thành); mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò).
Tổng trữ lượng cát được phép khai thác của 3 mỏ nói trên là hơn 2,15 triệu m3. Nhằm đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu cát, đáp ứng tiến độ thi công dự án, cùng với 3 mỏ cát đang khai thác (trong đó có một mỏ vừa được phép nâng công suất khai thác hằng ngày), UBND tỉnh Đồng Tháp giới thiệu thêm một mỏ cát trên sông Tiền, đoạn qua Phường 11 và xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh) để nhà thầu thực hiện thủ tục và dự kiến tiến hành khai thác trong tháng 10/2024.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 dài 16 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản, đã khởi công ngày 25/6/2023. Quy mô giai đoạn 1, mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế với bề rộng mặt đường 16 m, vận tốc khai thác 80 km/h.
Quy mô giai đoạn hoàn thiện, mặt cắt ngang 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng mặt đường hơn 23 m, vận tốc khai thác 100 km/h. Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 có thời gian thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2027; đến nay, tiến độ xây dựng của dự án này đạt khoảng %.