Theo kết quả của một cuộc khảo sát về mức chi phí sinh hoạt năm 2015 của nhà tư vấn Mercer vừa công bố ngày 17/6, thủ đô Luanda của Angola tiếp tục giữ vị trí đầu bảng trong danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm thứ ba liên tiếp.Quang cảnh một khu chợ tại thủ đô Luanda. |
Mặc dù được thừa nhận là một thành phố có nguồn thu tương đối thấp, song chi phí cho việc nhập khẩu hàng hóa và đảm bảo các điều kiện sống an toàn khiến thủ đô Luanda trở thành nơi đắt đỏ nhất thế giới.
Các thành phố khác nằm trong Top 10 nơi đắt đỏ nhất đối với người nước ngoài sau Luanda theo thứ tự là Hong Kong, Zurich, Singapore, Geneva, Thượng Hải, Bắc Kinh, Seoul, Bern và N'Djamena (thủ đô của quốc gia châu Phi Tchad).
Theo khảo sát của Mercer, thành phố có mức chi tiêu thấp nhất thế giới cho người nước ngoài là Bishkek (Kyrgyzstan), tiếp đến là Windhoek (Namibia) và Karachi (Pakistan).
Đáng chú ý là trong bảng xếp hạng tại khu vực Trung Đông, Dubai và Abu Dhabi của Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) là hai thành phố đắt đỏ nhất cho người nước ngoài, trong khi Jeddah (Saudi Arabia) tiếp tục là địa điểm có mức phí sinh hoạt rẻ nhất trong khu vực.
Hai thành phố của UAE đã tăng thứ hạng đáng kể so với năm 2014, với Dubai tăng 44 bậc và Abu Dhabi tăng 35 bậc. Mercer cho biết việc giá thuê phòng cho người nước ngoài tăng cao ở cả hai thành phố này là một trong những lý do chính khiến cả Dubai và Abu Dhabi tăng thứ hạng.
Cuộc khảo sát này của Mercer được thực hiện tại 207 thành phố trên khắp năm châu lục và số liệu được thu thập trên hơn 200 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là nhà ở, giao thông vận tải, thực phẩm, quần áo, hàng gia dụng, và giải trí.