Hái cà phê lựa chọn quả chín dù mất nhiều công hơn so với hái xô nhưng bù lại chất lượng sản phẩm lại cao hơn hẳn. Cà phê chín cũng giúp tăng khoảng trên 10% sản lượng so với hái quả xanh.
Ông Nguyễn Văn Thiện (thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) có 1,2 ha cà phê vừa cho thu hoạch. Ngoài việc trồng theo hướng hữu cơ, gia đình ông Thiện cũng rất chú trọng đến khâu thu hoạch, lựa chọn quả chín để nâng cao chất lượng, tăng lợi nhuận. Ông Thiện cho hay, gia đình ông cho công nhân đi hái, chọn những cây đạt tới 75 - 80% chín, về xong xay nước để bỏ vỏ ngoài, giữ lại lớp lụa thì chất lượng cà phê tốt nhất và mình bán ra thị trường so với cà phê thông thường 1 tấn tăng thêm 15 triệu.
Cùng với người dân, các công ty sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng xem chất lượng là tiêu chí hàng đầu để thực hiện trong quá trình thu hoạch. Để cà phê đạt chất lượng trong thu hoạch, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính, hầu hết các công ty cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã áp dụng các quy định chung về việc thu hái cà phê khá nghiêm ngặt; trong đó, tiêu chí phải đạt quả chín trên 85% được đặt lên hàng đầu. Việc thực hiện quy trình này trong điều kiện thời tiết khí hậu thất thường sẽ tốn thêm nhiều công thu hái nhưng bù lại chất lượng sẽ tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Ngô Hùng, Quyền Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 2, để đảm bảo chất lượng sản phẩm trong vụ mùa thu hoạch và đảm bảo sản phẩm có chất lượng để Tổng Công ty Cà phê Việt Nam xuất khẩu, đơn vị triển khai vụ mùa thu hoạch và bước vào vụ thu hoạch, công ty đã ban hành các quy định để đảm bảo thu hoạch sản phẩm đạt chất lượng. Triển khai thu hoạch gồm 3 đợt, đợt đầu hái bói quả chín đầu vụ, sau đó triển khai hái đợt 1 cũng như đợt 2. Về chất lượng sản phẩm, tỷ lệ quả chín theo quy định của công ty ban hành phải đạt tối thiểu 85% quả chín trở lên.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, trước đây, đa số người dân thu hái cà phê chưa đủ độ chín, dẫn đến chất lượng không đảm bảo, cũng như việc phơi cà phê trên đất cũng chưa đảm bảo được độ sạch và chất lượng của sản phẩm. Gần đây, ngành nông nghiệp địa phương đã có nhiều hướng dẫn để người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao ý thức sản xuất. Hiện nay, cà phê Gia Lai đa số thu hái khi đủ độ chín và phơi trên sàn, giàn cách đất hoặc sấy để tránh ẩm mốc, do đó chất lượng cà phê đã được nâng cao.
Tỉnh Gia Lai hiện đã có hơn 42.000 ha trong số 100.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Mặt hàng này đang được xuất khẩu sang thị trường 40 nước trên thế giới và đang tiếp tục mở rộng thêm thị trường khó tính khác.