Ghi nhận tại huyện Trần Văn Thời, địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất tỉnh, với gần 29.000 ha, trong những ngày qua, các trà lúa đã chín rộ và vào đợt thu hoạch. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài kèm theo giông lốc nên các trà lúa của nông dân bị ảnh hưởng nặng. Lúa ngả đổ, nước trong ruộng lên cao làm cho việc thu hoạch lúa gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Thanh Thái, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, dù rất khẩn trương thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè Thu, tuy nhiên, ở một số nơi, mưa lớn nước trên ruộng dâng cao và kèm theo giông lốc đã làm cho nhiều cánh đồng lúa bị ngã đổ, hư hỏng nhiều. Thêm vào đó, người dân không thể đưa máy vào gặt do nước lên cao, nguy cơ lúa bị thiệt hại là rất lớn. Do đó, hiện nay, bà con địa phương đang nỗ lực bơm nước để tháo úng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Hồ Song Toàn cho biết, những ngày qua, UBND huyện kiến nghị ngành chức năng tỉnh vận hành các trạm bơm ven tuyến sông Ông Đốc. Theo tính toán, điều này vừa nhằm tiêu thoát nước phục vụ cho việc thu hoạch lúa Hè Thu, mặt khác trữ nước lại phục vụ sản xuất, hạn chế tình trạng thiếu nước, sụt lún trong những tháng mùa khô.
“Khi trạm bơm đi vào vận hành, ngành chức năng huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân đắp bờ bao trong ruộng để điều tiết nước cũng như chủ động được nguồn nước trong sản xuất, thích ứng với các điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay”, ông Hồ Song Toàn chia sẻ đồng thời cho biết thêm, UBND huyện chỉ đạo các ngành có liên quan khẩn trương rà soát các hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền bà con nông dân chọn và thực hiện các ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp, hợp tác xã có uy tín để đảm bảo về giá và đầu ra sản phẩm.
Theo ngành nông nghiệp huyện Trần Văn Thời, dự kiến khoảng một tháng nữa nông dân trên địa bàn huyện sẽ thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè Thu.
Theo đó, hiện, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm làm giảm thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất có thể. Trước mắt, khuyến cáo đối với trà lúa đã đến ngày thu hoạch, nông dân cần khẩn trương tháo nước, bơm tát cạn đến đâu thì tiến hành thu hoạch ngay để tránh ảnh hưởng của các đợt mưa tiếp theo. Riêng, những vùng lúa đang làm đòng hoặc đã trổ, nên giữ mực nước tương đối để lúa không đổ ngã.
Bên cạnh đó, nông dân cũng cần gia tăng các khoáng chất cho lúa như canxi, magiê, kali để tăng thêm sức chống chịu cho cây lúa. Đồng thời, tranh thủ trời nắng thu hoạch những diện tích lúa đã chín, kể cả thu hoạch vào ban đêm để tránh thiệt hại do mưa dông.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết: Những ngày qua có mưa lớn, không thuận lợi cho lúa giai đoạn trổ - chín, đặc biệt là những ruộng đã đến thời điểm thu hoạch, làm chậm tiến độ thu hoạch. Đặc biệt, đã có nhiều diện tích bị thiệt hại nặng, nông dân không thể khắc phục được do không có mạ để cấy dặm lại, đành phải ngậm ngùi bỏ vụ. Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích lúa được ghi nhận bị đổ ngã khoảng 532 ha; trong đó, huyện Trần Văn Thời 329 ha, huyện Thới Bình 140 ha và thành phố Cà Mau là 63 ha.
Trước đó, các đợt mưa lớn kéo dài đã làm ngập và thiệt hại gần 615 ha lúa Hè Thu; trong đó, thiệt hại trên 70% là trên 289 ha, thiệt hại từ 30-70% là trên 325 ha, của 485 hộ.
Vụ lúa Hè Thu năm nay, các địa phương vùng trọng điểm sản xuất lúa 2 vụ đã xuống giống 35.244 ha. Hiện nay, hầu hết các trà lúa đang giai đoạn trổ và chín rộ. Nông dân đã thu hoạch được 6.460 ha, năng suất đạt 5,12 tấn/ha, sản lượng trên 33.000 tấn.