Tính đến hết tháng 9/2022, số thu NSNN đạt 1.330 nghìn tỷ đồng, bằng 94,2% dự toán. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Nguyễn Văn Cẩn, thu NSNN do cơ quan hải quan quản lý đến thời điểm này ước đạt 93% dự toán.
Cụ thể, kết quả số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) 9 tháng năm nay được 328.832 tỷ đồng, đạt 93,4% dự toán được giao, đạt 88,9% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 14,7% (so với cùng kỳ năm 2021).
Nhìn vào “Top 10” địa phương có kim ngạch XNK lớn, số thu cũng khá khả quan, dẫn đầu là Cục Hải quan Thành phố (TP) Hồ Chí Minh thu đạt 104.264 tỷ đồng, bằng 89,50% dự toán được giao, bằng 87,25% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 20,82%. Theo phân tích của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng XNK có kim ngạch tăng cao so với với cùng kỳ, đóng góp chính tăng thu cho ngân sách..
Xếp thứ 2 là Cục Hải quan Hải Phòng, thu đạt 58.098 tỷ đồng, bằng 91,31% dự toán được giao, bằng 86,65% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 20,59%. Tiếp theo là Cục Hải quan Hà Nội thu đạt 24.394 tỷ đồng, bằng 88,97% dự toán được giao, bằng 86,81% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 19,64%. Cục Hải quan Đồng Nai thu đạt 18.563 tỷ đồng, bằng 104,28% dự toán được giao, bằng 91,13% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 11,73%. Cục Hải quan Bình Dương thu đạt 11.217 tỷ đồng, bằng 85,49% dự toán được giao, tăng 1,35%...
Bên cạnh sự phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19, không thể không kể đến các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các đơn vị hải quan, nhất là đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính. Cùng với đó là nâng cao mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa cơ quan hải quan với cộng đồng doanh nghiệp thông qua các buổi hội nghị để đối thoại, giải đáp vướng mắc và phổ biến văn bản pháp luật. Qua đó, cơ quan hải quan lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ để tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa bàn quản lý.
Năm 2022, TCHQ được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng, chỉ tiêu phấn đấu là 370.000 tỷ đồng. “Mặc dù thu NSNN dù trong 9 tháng qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn cần quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Chỉ thị của TCHQ; tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm và những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng TCHQ cho biết.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Đặng Ngọc Minh, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý tính đến ngày 4/10 ước thu đạt 79.402 tỷ đồng, cao hơn 1.200 tỷ đồng so với báo cáo trước đó. Lũy kế 9 tháng năm nay, thu NSNN đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán. Nguyên nhân thu nội địa tăng là do đầu năm giá dầu tăng cao, thu ngân sách từ dầu thô đạt 200% so cùng kỳ, tăng 30 nghìn tỷ đồng; nhiều khoản thuế thu vượt 100%...
Bên cạnh việc công tác thu ngân sách, Tổng cục Thuế đã triển khai tốt công tác chống thất thu và thu hồi nợ, đã thu được 25.600 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, đã thu về ngân sách 10.300 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, dự báo trong thời gian tới, thu NSNN sẽ gặp nhiều khó khăn. Qua thống kê, số thu 9 tháng năm nay đạt tương đối cao nhưng dự báo giảm tốc độ tăng trưởng qua các tháng, nếu như tháng 7/2022 thu NSNN đạt 133 nghìn tỷ đồng, thì đến tháng 8/2022 thu đạt 105 nghìn tỷ đồng, tháng 9 thu nội địa chỉ đạt 79.400 tỷ đồng (các tháng 7,8,9).
Thời gian tới, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách; đồng thời tiếp tục tập trung các giải pháp quản lý thuế thương mại điện tử, hóa đơn điện tử…
Để kéo giảm nợ thuế, Tổng cục Thuế cho biết, toàn ngành đang tập trung rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng, lập danh sách những doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nguyên nhân nợ, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng. Trường hợp doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngành Thuế sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu nợ; đồng thời phối hợp với cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Điều - Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Số tiền thuế nợ toàn ngành quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/9/2022 là 133.973 tỷ đồng, giảm 0,1% so với thời điểm ngày 31/8/2022. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 30/9/2022 là 115.919 tỷ đồng, giảm 0,3% so với thời điểm ngày 31/8/2022.
Nếu tính theo tỷ lệ nợ trên tổng dự toán thu năm 2022, nợ thuế có khả năng thu hiện đang là 7,7%; tỷ lệ tiền thuế nợ không còn khả năng thu trên dự toán thu là 2,2%. Tổng cục Thuế đánh giá, tiền nợ thuế vẫn có chiều hướng tăng, ước tính đến thời điểm ngày 30/9/2022, nợ thuế tăng 18.959 tỷ đồng so với nợ tại thời điểm ngày 31/12/2021.
"Các khoản nợ thuế, phí tăng 4.789 tỷ đồng do ảnh hưởng COVID-19, người nộp thuế (NNT) gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn đến không nộp kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN). Ngoài ra, một số NNT thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế, nhưng chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP nên nợ thuế tăng. Bên cạnh đó, tiền phạt, tiền chậm nộp tăng 3.373 tỷ đồng do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế", đại diện Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho biết.