Trên đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy liên quan đến thị phần vận tải khi có đường sắt tốc độ cao, tại buổi trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí về chủ trương đầu tư Dự án diễn ra chiều 1/10.
Cụ thể, trong quá trình lập quy hoạch các lĩnh vực của ngành giao thông vận tải đã xem xét tiềm năng, lợi thế của từng phương thức để xây dựng kịch bản phát triển.
Theo đó, đối với vận tải hành khách, cự ly ngắn (dưới 150 km) ưu thế thuộc về đường bộ; cự ly trung bình (150 - 800 km) đường sắt tốc độ cao chiếm hoàn toàn ưu thế; cự ly dài (trên 800 km) thị phần chủ yếu thuộc về hàng không và một phần của đường sắt tốc độ cao.
Chưa kể, đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần quan trọng trong cơ cấu lại thị phần vận tải hành khách giữa các phương thức theo hướng bền vững. Đồng thời, sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông, giảm các hệ lụy khác như giảm phát thải môi trường.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, vì chưa có đường sắt tốc độ cao nên thị phần vận tải đang méo mó. “Chúng ta đang “lấy dao mổ trâu đi mổ ruồi” khi hàng không đang phải nỗ lực duy trì các chặng bay cự ly dưới 500 km, giá thành không cõng nổi chi phí, phải lấy lợi nhuận từ chặng bay dài bù lỗ. Tình trạng “dùng dao mổ ruồi đi mổ trâu” cũng đang diễn ra khi trên chặng dài như Hà Nội - Huế vẫn có những chuyến xe vận tải khách chạy xuyên suốt bằng đường bộ, trừ vận chuyển hành khách trong du lịch. Nói cách khác, hàng không và đường bộ đang phải đảm nhận vận tải hành khách trên các cự ly không có ưu thế”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy thông tin.
Trước đó, lãnh đạo ngành giao thông vận tải đã chia sẻ thông tin về tốc độ thiết kế cũng như công năng vận chuyển của Dự án Đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Đối với Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/giờ, với công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hoá khi cần thiết. Tuy nhiên, hiện chưa có phương án nào liên quan đến việc này.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/giờ; tổng chiều dài 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; với tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.
Về phạm vi, quy mô đầu tư, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh).