Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông đường 2-9 và đường Nguyễn Tất Thành ở thị xã Hương Thủy có tổng mức đầu tư hơn 20,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tạm dừng thi công đoạn đấu nối vào Quốc lộ 1A do chưa được Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) cấp phép. Hiện nay, đơn vị thi công phải rào chắn tấm tôn phần thi công dở dang trước mặt nhà thờ Giáo xứ Phù Lương và chưa biết đến khi nào mới có thể thi công trở lại, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn giao cho người, phương tiện lưu thông qua vị trí này.
Cách đó không xa, đoạn Tỉnh lộ 7 nối dài từ Quốc lộ 1A đến đường Khúc Thừa Dụ ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy cũng trong tình trạng làm đường mới xong phải rào lại ở vị trí đấu nối vào quốc lộ. Đoạn đường này hiện được người dân tận dụng để phơi thóc, người điều khiển phương tiện xe máy phải lách qua vỉa hè chạy vào Quốc lộ 1A, buổi tối tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Thị xã Hương Thủy hiện có 6 điểm đường đấu nối vào Quốc lộ 1A đều được hình thành từ lâu, mặt đường xuống cấp, hư hỏng, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc nên địa phương đưa vào kế hoạch đầu tư, chỉnh trang đảm bảo mỹ quan đô thị để cùng với tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Tuy nhiên, hiện có 4 điểm đấu nối đang phải rào chắn lại, thi công dở dang do vướng quy định tại Thông tư 39/2021/TT-BGTVT, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT liên quan đến điều kiện để được cấp phép chỉnh trang, đấu nối vào quốc lộ. Cụ thể, Thông tư 39/2021/TT-BGTVT quy định yêu cầu đấu nối vào quốc lộ là phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối và có đủ quỹ đất để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc, làn dừng xe chờ rẽ trái.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Hương Thủy Nguyễn Đình Ninh cho biết, Thông tư 39/2021/TT-BGTVT quy định các điểm đấu nối phải có đủ quỹ đất để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc, làn dừng xe chờ rẽ trái là rất khó thực hiện đối với những tuyến đường hình thành đã lâu ở trong khu vực đô thị. Những vị trí này đều đắc địa ở mặt tiền quốc lộ, người dân xây dựng nhà cửa ổn định, thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán, nếu di dời, tái định cư, đòi hỏi kinh phí lớn và người dân không đồng tình.
Theo ông Nguyễn Đình Ninh, việc thực hiện các dự án cải tạo điểm đấu nối khi chưa được chấp thuận của Khu quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam) là do yêu cầu cấp bách của địa phương phải chỉnh trang đô thị trên trục Quốc lộ 1A đi qua khu vực trung tâm thị xã và là cửa ngõ phía Nam đi vào thành phố Huế. Đây là nhiệm vụ chính trị được thị xã đưa ra từ đầu nhiệm kỳ nhằm tạo diện mạo đô thị khang trang cho thị xã. Bên cạnh đó là áp lực giải ngân vốn đầu tư công, ý kiến phản ánh của cử tri liên quan đến việc xuống cấp, hư hỏng mặt đường các điểm đấu nối.
Theo Nghị định số 117/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có giao cho UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào quốc lộ phù hợp các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải…
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 808 điểm đấu nối vào 4 tuyến quốc lộ (Quốc lộ 1A, 49, 49B, đường Hồ Chí Minh). Ngày 21/8/2024, UBND tỉnh ban hành quyết định số 2259/QĐ-UBND về việc phê duyệt 425 điểm đấu nối đường ngang vào 4 tuyến quốc lộ trên, giai đoạn đến 2025, định hướng đến 2030.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, 177 vị trí đấu nối còn lại chưa đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối, 206 vị trí không đáp ứng đủ quỹ đất để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc, làn dừng xe chờ rẽ trái, trong đó có những điểm đấu nối trên địa bàn thị xã Hương Thủy. UBND tỉnh có công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam xin ý kiến về những vị trí đấu nối này.
Ông Hoàng Xuân Huy, Trưởng phòng An toàn và Quản lý giao thông (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng, Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu đối với các điểm đấu nối vào quốc lộ đã hình thành từ lâu, ở khu vực đô thị nên quy định khi cải tạo, chỉnh trang chỉ cần làm đèn giao thông. Khu vực miền núi, ven biển nên quy định làm gờ cưỡng bức giảm tốc, thay vì quy định chung như hiện nay bắt buộc phải có quỹ đất để thiết kế, xây dựng làn chuyển tốc, làn dừng xe chờ rẽ trái rất khó cho cơ sở thực hiện.